Định vị thị trường
Vận động của các thị trường chứng khoán khu vực không có những điểm nhấn rõ ràng với trạng thái trái chiều trong biên độ hẹp của các chỉ số như NIKKEI 225 (+0,3%), TWSE (+0,05%), KOSPI (-0,9%), HSI (-1,03%).
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam lại bất ngờ có phiên tăng đột phá, vượt qua các biến động lình xình chung. Chỉ số VN-Index đã tăng 2,19% lên 1.267,53 điểm
Chất xúc tác
Nhà đầu tư nước ngoài đã không nối tiếp các hoạt động bán ròng như trong 3 phiên vừa qua. Thay vào đó, dòng tiền đã được dồn dập quay trở lại HOSE với giá trị ròng đạt gần 700 tỷ đồng. Đây là mức mua vào tốt nhất của khối ngoại ghi nhận được trong 3 tháng trở lại đây.
Một loạt các cổ phiếu lớn cũng như nhóm Midcap đều xuất hiện tiền ngoại như HPG (+126,5 tỷ đồng), MSN (+79,3 tỷ đồng), FPT (+75 tỷ đồng), SSI (+71,14 tỷ đồng), DXG (+68 tỷ đồng), CTG (+66,7 tỷ đồng), STB (+49,12 tỷ đồng), TCB (+41,14 tỷ đồng)…
Tính chung lại, giao dịch của khối ngoại thực tế chỉ chiếm chưa đến 8% ở cả 2 chiều mua/bán. Trong khi đó, khớp lệnh của HOSE đã tăng đột biến so với phiên hôm qua thêm 66,2% lên 839,97 triệu đơn vị - mức thanh khoản cao nhất trong vòng 2 tháng trở lại đây.
Theo ghi nhận, đã có tình trạng lệnh bị treo tại hệ thống một CTCK trong phiên chiều nay, qua đó cho thấy thị trường đã có những vận động đột biến từ các nhà đầu tư trong nước.
Còn trên thị trường tiền tệ và ngoại hối, lãi suất liên ngân hàng đang có sự hạ nhiệt dần ở các kỳ hạn qua đêm còn tỷ giá vẫn đang neo quanh vùng đỉnh. Lãi suất liên ngân hàng ở kỳ hạn qua đêm đã giảm về 4,03% còn giá bán USD trên thị trường tự do là 25.730 VND/USD.
Vận động thị trường
Những vận động trong phiên sáng nay chưa thực sự gợi mở được những dấu hiệu rõ ràng cho một phiên bứt phá của thị trường. Nhóm Ngân hàng ghi nhận sắc xanh nhẹ dù có thông tin ngân hàng BIDV sắp trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 21%.
Chỉ sang đến phiên chiều, các cổ phiếu Ngân hàng mới tăng tốc một cách rõ ràng và quyết liệt hơn. STB (+4,8%), TPB (+4,1%) đã tăng được trên 4% còn TCB (+3,2%), HDB (+3,1%), MSB (+3,1%), CTG (+3,1%), MBB (+2,9%), SHB (+2,9%), VIB (+2,7%), ACB (+2,6%) cùng tăng trên 2%.
Tuy nhiên, đà tăng của nhóm Ngân hàng thực tế chưa thể so sánh được với nhóm cổ phiếu Chứng khoán. Với kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được nâng hạng đầu năm tới, một loạt mã đã tăng kịch trần như SSI, VCI, HCM, FTS, ORS, CTS, VDS, BSI trong đó SSI đứng thứ 2 về giá trị giao dịch trên HOSE, đạt 889 tỷ đồng.
Trường hợp cũng gây ra bất ngờ là VND. Đầu phiên giao dịch, thông tin Tập đoàn Trung Nam báo lỗ gần 2.900 tỷ đồng trong năm 2023 đã khiến cho không ít nhà đầu tư còn bi quan với cổ phiếu VND. Tuy nhiên, với hiệu ứng mạnh mẽ từ nhóm ngành, VND (+4,53%) đảo chiều tăng mạnh dù đã có lúc gần chạm đáy 20 tháng.
Cùng với đó, các cổ phiếu thuộc các nhóm ngành Thép, Bán lẻ, Bất động sản cũng xuất hiện lệnh mua lên quyết liệt như HPG (+4,31%), HSG (+3,01%), NKG (+3,21%), MWG (+4,99%), HDC (+5,06%), PDR (+6,86%)…
Tổng cộng, sắc xanh đã phủ tới 76,77% số mã trên HOSE. Chỉ số VN-Index đóng cửa tăng 27,12 điểm (+2,19%). Tổng giá trị giao dịch toàn sàn đạt 21.041 tỷ đồng, tương đương 908,38 triệu đơn vị.
Trên HNX và UPCoM, các mã MBS (+9,5%), SHS (+7,8%), BVS (+9,4%), L14 (+10%), HNG (+3%), DRI (+4%), BSR (+3,1%) đã có sự hưởng ứng tích cực nhất. HNX-Index tăng 2,22% còn UPCoM-Index tăng 0,55%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 2.500 tỷ đồng.