Phản ứng của thị trường chứng khoán với biến số tỷ giá
Ông Nguyễn Thế Minh
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, thị trường chứng khoán tuần qua đã phản ứng kém tích cực với việc chỉ số DXY vượt mốc 109 điểm. Đây cũng là rủi ro lớn nhất trong ngắn hạn đã luôn được lưu ý cho nhà đầu tư. Đà đi lên của chỉ số DXY vẫn còn mạnh nên chưa thể loại trừ khả năng có lên mốc 110 điểm.
Cùng với đó, chúng ta vẫn cần phải đối diện với hoạt động bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài khi đồng USD mạnh lên. Tất nhiên, áp lực bán ròng sẽ không còn "khủng khiếp" như giai đoạn năm ngoái bởi theo ước tính tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài hiện tập trung ở nhóm cổ đông chiến lược. Các quỹ đầu cơ chỉ còn nắm khoảng 1% nên khó tạo ra sức ép lên thị trường.
Còn ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Công ty chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá tác động của tỷ giá và khối ngoại khiến thị trường điều chỉnh mạnh là không quá bất ngờ. Khi thị trường thiếu vắng thông tin hỗ trợ hay những chuyển biến rõ nét hơn về sự phục hồi doanh nghiệp, diễn biến chung sẽ đi ngang, khi có tin xấu lập tức phản ánh mạnh. Diễn biến này hoàn toàn hợp lý và thể hiện sự thận trọng của nhà đầu tư trong bối cảnh thiếu vắng những thông tin tích cực mang tính đột phá từ cả vĩ mô lẫn doanh nghiệp.
Ông Đoàn Minh Tuấn, Trưởng phòng nghiên cứu và đầu tư FIDT lưu ý rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bán ròng hàng tỷ USD chỉ trong 1 tháng, để bảo vệ ngưỡng tỷ giá trần 25.500 đồng. Tuy nhiên, việc bán USD với tốc độ cao đang gây suy yếu dự trữ ngoại hối, có thể ảnh hưởng đến khả năng phòng ngừa trong tương lai. Đây cũng chỉ là biện pháp tạm thời và không bền vững.
Thích ứng với những rủi ro ngắn hạn
Ông Đoàn Minh Tuấn, Trưởng phòng nghiên cứu và đầu tư FIDT cho rằng trong bối cảnh rủi ro thị trường tăng cao do áp lực tỷ giá và biến động dòng vốn đầu tư, khối ngoại đã quay trở lại bán ròng mạnh tay, tập trung vào các ngành trụ và cổ phiếu chủ chốt như công nghệ thông tin (FPT), ngân hàng (VCB, TCB, BID, EIB) và chứng khoán (VND, HCM, VIX). Trong đó, cổ phiếu ngành ngân hàng chịu áp lực nặng nề nhất với giá trị bán ròng lớn từ cả khối ngoại và tự doanh.
Ông Đoàn Minh Tuấn
Đây là tuần thứ ba trong bốn tuần liên tiếp khối ngoại quay đầu bán ròng. Xu hướng này được xem là nguyên nhân chính khiến VN-Index thất bại trong việc tích lũy tại vùng 1.270 - 1.280 điểm, buộc chỉ số quay đầu giảm nhanh để tìm vùng cân bằng mới.
Còn ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam đưa ra dự báo vận động của VN-Index theo chỉ số DXY. Cụ thể, nếu DXY lên 110 điểm, chỉ số VN-Index có thể cần chiết khấu thêm. Dù vậy, mức điểm chiết khấu tối đa có thể chỉ khoảng 20 nên việc thị trường giảm sâu là không khả thi.
Thị trường đi lên trong năm 2025
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng thị trường vẫn sẽ duy trì đi lên trong năm 2025. Chúng ta hiện đang cần chú ý nhiều mục tiêu tăng trưởng GDP.
Theo ông Minh, mục tiêu tăng trưởng GDP từ 7-8% trong năm 2025 là khả thi bởi nhiều yếu tố đến từ hoạt động xuất khẩu, đầu tư công, sự hồi phục của nhóm doanh nghiệp bất động sản và triển vọng nâng hạng thị trường… Trong đó, điểm nhấn nổi bật nhất là câu chuyện của ngành Bất động sản bởi đây vẫn là nhóm ngành có trọng số vốn hóa quan trọng trong nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán.
Thời gian vừa qua, chúng ta đã thấy nhiều doanh nghiệp giải quyết được vấn đề về trái phiếu và pháp lý của dự án như trường hợp của PDR và NVL. Ông Minh vẫn cho rằng, yếu tố cơ bản của các doanh nghiệp Bất động sản sẽ được phản ánh trong BCTC cuối năm 2025. Nhà đầu tư do đó sẽ đặt kỳ vọng sớm cho nhóm ngành ngay trong giai đoạn đầu năm 2025.
Mục tiêu tăng trưởng GDP cao thực tế hoàn toàn có thể đạt được. Còn với mục tiêu tăng trưởng hai chữ số sẽ là nỗ lực dài hơn của Chính phủ, hiện đã có những động thái thay đổi như tinh gọn bộ máy và mở đường cho ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.
Trần Thăng Long
Đánh giá về triển vọng năm 2025, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Công ty chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng là một năm khó khăn với nhiều ẩn số, cần thời gian để giải quyết. Đơn cử như tỷ giá tăng cao khi đồng USD chưa dừng tăng giá diễn biến này cần theo dõi chặt. Đồng thời cũng cần quan sát các chính sách điều hành, phản ứng từ phía cơ quan quản lý tiền tệ trong vấn đề này. Nhìn chung, ngay đầu năm đã lên mạnh rồi, tâm lý thận trọng sẽ khó tránh.
Khi giao dịch thận trọng và đợi chờ những ẩn số được gỡ bỏ, thị trường sẽ khó có sự đột phá. Đột phá phải có động lực. Song kết quả kinh doanh cả năm 2024 được kì vọng sẽ có những tăng trưởng đáng kể, cùng với tiến trình nâng hạng thị trường, vẫn sẽ là những yếu tố mang tính động lực quan trọng năm nay.