Thế giới đau đầu với đồng USD mạnh

Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong cuộc họp vào ngày 20 - 21/9 không còn là chuyện phải bàn cãi. Nhưng khi Fed tăng lãi suất, đồng USD tiếp tục mạnh lên, với phần còn lại của thế giới, đó thực sự là vấn đề.

Trước cuộc họp ngày 20 - 21/9, Fed đã 4 lần tăng lãi suất, bao gồm 2 lần tăng 0,75 điểm cơ bản, là mức tăng cao nhất kể từ năm 1994. Lãi suất cơ bản ở Mỹ hiện trong khoảng 2,25 - 2,5%.

Theo dự đoán của cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers, cuối cùng, Fed không thể không tăng lãi suất lên trên mức 4,3% để kiềm chế lạm phát. Ông Lawrence Summers cũng nói thêm rằng nếu muốn kiểm soát lạm phát một cách tuyệt đối, Fed sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất. Trong các tuyên bố của Fed, người ta cũng thấy quan điểm xuyên suốt giải thích cho quyết định tăng lãi suất là để kiềm chế lạm phát.

Quả thực, Mỹ đang phải đối mặt với lạm phát đáng ghi vào lịch sử. Tháng 5/2022, Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021, cao nhất kể từ năm 1981. Nhưng sang tháng 6, kỷ lục ấy đã bị xô đổ khi CPI vượt ngưỡng 9%, đạt 9,1%, trước khi giảm về mức 8,5% trong tháng 7 và 8,3% trong tháng 8. Dẫu vậy, CPI tháng 8 vẫn tăng vượt mức dự báo của thị trường (8,1%) khiến Fed vẫn phải hành động mạnh tay.

Dự báo cấp tiến nhất cho tới thời điểm này có lẽ là của Mark Mobius, người được giới đầu tư gọi bằng cái tên thân quen là "ông vua của thị trường mới nổi". Mark Mobius cho rằng Fed có thể sẽ tăng lãi suất cao hơn mức lạm phát để kiềm chế sự leo thang của giá cả và không loại trừ khả năng Fed sẽ tăng lãi suất tới 9%.

Trở lại với lạm phát ở Mỹ, nguyên nhân gây ra có nhiều như xung đột Nga -Ukraine làm đứt gẫy chuỗi cung ứng, khiến giá dầu mỏ, khí đốt, lương thực và phân bón tăng mạnh. Tuy nhiên, cốt lõi là từ chính sách nới lỏng tiền tệ (QE) của Mỹ.

Năm 2008, sau khi khủng hoảng tài chính bùng nổ, Fed lần đầu tiên thực hiện QE, giải phóng một lượng lớn tiền ra thị trường. Nửa đầu năm 2019, Fed bắt đầu bán bớt tài sản và giảm lượng cung tiền. Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ không chịu đựng nổi sự thắt chặt này và Fed phải đảo ngược chính sách, nới lỏng trở lại.

Đại dịch COVID-19 bùng phát, vào tháng 3/2020, Fed quyết định hạ lãi suất cơ bản xuống còn 0 - 0,25%. Tới tháng 6/2021, bảng cân đối kế toán của Fed lần đầu tiên vượt mốc 8.000 tỷ USD, nghĩa là tăng gần gấp đôi so với thời điểm bắt đầu chương trình mua tài sản quy mô lớn vào tháng 3/2020 để hỗ trợ kinh tế trước tác động của dịch bệnh.

Đến ngày 14/3/2022, nghĩa là trước thềm Fed tăng lãi suất lần đầu tiên sau hơn 3 năm, quy mô bảng cân đối kế toán là hơn 8.954 tỷ USD. Còn lạm phát ở Mỹ đã tăng cao từ những tháng đầu năm 2021.

Nguyên nhân thúc đẩy là sự khác biệt về điểm đến của dòng tiền trong QE. Năm 2008, Fed bơm tiền để mua tài sản độc hại của ngân hàng, ngăn không cho ngân hàng mất thanh khoản và sụp đổ dây chuyền, thực chất không tạo ra tiền mới trong nền kinh tế.

Quảng cáo

Thực tế cho thấy sau khi các gói QE giải quyết khủng hoảng tài chính được triển khai, lạm phát tại Mỹ chưa khi nào vượt quá 4%. Nhưng trong các gói QE sau đại dịch, tiền lại được đưa vào lưu thông trong nền kinh tế thông qua những tấm séc trợ cấp, các khoản hỗ trợ thất nghiệp bổ sung…

Vì vậy, cung tiền M2 của Mỹ tăng vọt theo quy mô bảng cân đối kế toán của Fed. Khi cung tiền tăng nhanh hơn nhiều so với năng lực sản xuất của nền kinh tế, lạm phát cao là điều tất yếu.

sri5722-6525.jpg

Người dân xếp hàng chờ mua dầu hỏa tại Colombo, Sri Lanka ngày 17/6. Ảnh: THX/TTXVN

Thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, Fed buộc phải tăng lãi suất, khiến các nhà đầu tư toàn cầu rút tiền khỏi các thị trường khác nhằm đầu tư vào các tài sản Mỹ có lợi suất cao và đồng USD đã mạnh lên.

Với vai trò là là đồng tiền chủ chốt sử dụng trong thương mại và tài chính toàn cầu, biến động của đồng USD luôn gây ra ảnh hưởng ở diện rộng. Sự mạnh lên của đồng USD có thể được cảm nhận rõ nét trong tình trạng thiếu nhiên liệu và năng lượng ở Sri Lanka, lạm phát kỷ lục tại châu Âu và thâm hụt thương mại kỷ lục tại Nhật Bản...

Một vấn đề nữa là sự tăng giá của đồng USD khiến hàng nhập khẩu đắt hơn, gây bất ổn cho hệ thống tài chính và thúc đẩy tỷ lệ lạm phát của các nền kinh tế khác. Chính điều này đã buộc hàng chục ngân hàng trung ương trên thế giới cũng phải nâng lãi suất theo nhằm chống lạm phát.

Lãi suất tăng khiến chi phí đi vay cũng tăng, qua đó ảnh hưởng đến hàng loạt thị trường bất động sản từ Australia cho đến Canada. Với các nước và doanh nghiệp vay nợ bằng đồng USD, áp lực càng lớn.

Vấn đề ở chỗ các nền kinh tế hiện nay không có nhiều công cụ để tác động ngược lại đồng USD. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư hiện nay không chỉ dự đoán Fed tiếp tục tăng lãi suất, mà còn lo lắng về rủi ro suy thoái của kinh tế thế giới đã được nhiều thiết chế tài chính quốc tế, bao gồm WB cảnh báo. Việc này sẽ khiến dòng vốn càng đổ vào đồng USD nhiều hơn, qua đó thúc đẩy “đồng bạc xanh” tiếp tục đi lên.

Nói tóm lại, việc Fed tăng lãi suất không phải là chuyện mới. Tuy nhiên, đây lại là lần đầu tiên việc đồng USD tăng giá tác động sâu rộng đến cả những nền kinh tế phát triển lẫn các nước nghèo.

Thống kê của hãng tin Bloomberg cho thấy trong số 31 đồng tiền của những nền kinh tế chủ chốt, có đến 4 đồng tiền của các nước giàu nằm trong nhóm 10 đồng tiền biểu hiện tệ nhất năm. “Nỗi đau” lan toả từ đồng USD mạnh xem ra không chừa ai và sẽ còn kéo dài.

Theo Báo Tin tức Sao chép

Cùng chuyên mục Thế giới

Đồng euro yếu - công cụ để châu Âu ứng phó với thuế quan mới của Mỹ?

Nếu đồng euro yếu hơn, giảm xuống ngang giá với đồng USD, sẽ làm giảm bớt tác động tiêu cực từ việc Mỹ có thể áp các mức thuế mới đối với hàng hóa của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Đồng euro thắng thế trên thị trường tiền tệ toàn cầu Trung Quốc trở lại thị trường nợ với kế hoạch bán trái phiếu bằng đồng euro

Thế kẹt của kinh tế châu Âu

Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ. Nhiều người hy vọng rằng những nỗ lực mới đây của Trung Quốc trong việc tăng chi tiêu công có thể phục hồi tăng trưởng.

Thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ giảm điểm trong phiên 23/10 14 triệu lao động, 7% GDP và toàn ngành ô tô Châu Âu đang lao đao trước cơn bão xe điện Trung Quốc