Thị trường sau giai đoạn nghỉ Tết đã có 5 tuần tăng điểm liên tiếp, ông đánh giá thế nào về xu hướng này? Nhà đầu tư cần lưu ý gì về mốc 1.200 điểm vừa được chỉ số vượt qua?
Trước tiên cùng điểm qua diễn biến thị trường Việt Nam và một số chỉ số chỉ số chứng khoán thế giới trong thời gian qua. Có thể thấy thị trường Việt Nam là một trong những thị trường tích cực nhất trong bức tranh chung của thị trường chứng khoán thế giới.
Trong khoảng 1 tháng gần đây, hầu hết các thị trường trong xu thế tăng điểm.
Về các yếu tố tích cực hiện tại, đó là đà diễn biến vẫn đang tích cực của thị trường chứng khoán thế giới, trong nước thì đó là những kỳ vọng về chính sách nới lỏng với lãi suất đang ở mức rất thấp, sự phục hồi của nền kinh tế được cải thiện trong năm mới, kỳ vọng vào quá trình nâng hạng... từ đó dẫn đến tâm lý của nhà đầu tư trong nước đang rất hưng phấn.
Về yếu tố tiêu cực tiềm ẩn, đó là việc liên thị trường có những biến động tiêu cực trở lại sau thông tin CPI của Mỹ tháng 1 tăng cao hơn dự báo của giới phân tích, làm giảm bớt kỳ vọng về khả năng Fed sớm hạ lãi suất và số lần hạ lãi suất trong năm 2024. Dollar Index cũng tăng mạnh trở lại. Một số vấn đề trong nước vẫn tiềm ẩn như nợ xấu và sự phục hồi của thị trường Bất động sản.
Nhìn chung các yếu tố tích cực vẫn chiếm ưu thế. Do đó khi thị trường trong trạng thái hưng phấn, quá mua và dễ xuất hiện những nhịp chỉnh nhưng xu hướng tăng vẫn chiếm ưu thế. Ngưỡng 1.200 hiện tại đóng vai trò là ngưỡng hỗ trợ gần nhất. Trong khi đó vùng kháng cự mạnh tiếp theo quanh 1.250-1.260 điểm.
Bối cảnh chung của chứng khoán thế giới cũng đang khá lạc quan, theo ông nguyên nhân hỗ trợ các chỉ số tăng điểm là gì. Nhà đầu tư trong nước cần lưu ý gì khi tiếp nhận các thông tin từ thế giới?
Các thị trường chứng khoán thế giới đồng pha tăng điểm như đã thống kê ở trên. Mỗi thị trường có một câu chuyện riêng nhưng nhìn chung là diễn biến tích cực. Ở thị trường Mỹ, châu Âu là kỳ vọng đảo chiều chính sách tiền tệ trong năm 2024. Trong khi đó các thị trường kém nhất như Trung Quốc cũng đã hãm đà rơi và phục hồi nhờ các biện pháp hỗ trợ thị trường của cơ quan quản lý.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý dù chứng khoán vẫn diễn biến tích cực, tuy nhiên liên thị trường cũng dần có tín hiệu đáng chú ý sau dữ liệu CPI tháng 1 của FED. Bond Yield và chỉ số Dollar Index lên cao nhất 3 tháng. Kỳ vọng vào việc hạ lãi suất sớm của FED và số lần hạ lãi suất 2024 cũng giảm đi phần nào.
Từ diễn biến này, tỷ giá USD/VND khả năng sẽ ít nhiều gặp áp lực trong thời gian tới. Tỷ giá USD/VND đang tiềm ẩn khả năng hình thành mẫu hình tăng giá mạnh và đây là điểm cần theo dõi.
Nhóm Ngân hàng vẫn đang liên tục dẫn dắt thị trường. Ông đánh giá thế nào về sự luân chuyển của các nhóm ngành khác và ngân hàng?
Một khi dòng tiền đã vào một nhóm cổ phiếu dẫn dắt nào đó thì khả năng vẫn ở đó trong trung hạn (3-6 tháng) là điều rất bình thường khi có sóng. Tiền vào nhóm Ngân hàng từ cuối 2023 và khả năng vẫn có thể tiếp tục duy trì nhờ KQKD 2023 ấn tượng của nhiều Ngân hàng.
Tuy nhiên tôi vẫn cho rằng câu chuyện nợ xấu sẽ là câu chuyện trong năm 2024, Lợi nhuận kế toàn của nhiều Ngân hàng đạt đỉnh không có nghĩa là sức khỏe của ngành Ngân hàng được cải thiện. Ngành Ngân hàng sẽ khó khăn sau nền kinh tế khi các doanh nghiệp có dấu hiệu đuối sức. Do đó dù tiền vẫn trong nhóm này nhưng tôi không kỳ vọng sóng dài ngành Ngân hàng.
Trong ngắn hạn, thị trường những phiên sau Tết cho thấy dần sự luân chuyển. Các nhóm ngành tăng mạnh như Ngân hàng có thể chững lại tích lũy và luân chuyển sang các nhóm chưa tăng. Do đó cần lưu ý khi mua đuổi các nhóm ngành đang quá mua và đã tăng nhiều để có được vị thế tốt nhất.