
Thị trường vàng vẫn duy trì mức tăng đáng kể trên 3.000 USD/ounce, ngay cả khi tâm lý nhà đầu tư nói chung đã được cải thiện sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố tạm hoãn thuế quan nhập khẩu toàn cầu trong 90 ngày.
Tính đến 11h15 phút (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới đang ở mức hơn 3.127 USD/ounce, tăng hơn 1,46% trong 24h qua. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 đã kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư với mức tăng gần 10%. Bạc cũng thu hút sự chú ý khi tăng 4%, đang giao dịch ở mức trên 31 USD/ounce.
Theo một số nhà phân tích, vàng vẫn đang trong xu hướng tăng mạnh và dự kiến sẽ không chịu nhiều áp lực bán ra, vì một số nhà đầu tư vẫn muốn nắm giữ tài sản trú ẩn an toàn ngay cả khi tâm lý thị trường được cải thiện.
“Đây là vùng nước chưa được thăm dò và các nhà giao dịch sẽ hành động nhanh chóng khi các tiêu đề tin tức tiếp tục chi phối tâm lý thị trường. Trong bối cảnh này, cùng với việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày càng gặp khó khăn khi lo ngại suy thoái tại Mỹ gia tăng — hiện được kỳ vọng sẽ cắt giảm lãi suất 4 lần, mỗi lần 0,25 điểm phần trăm — nhu cầu đối với vàng như một kênh trú ẩn an toàn có khả năng sẽ vẫn ở mức cao”, ông Ricardo Evangelista, Chuyên gia phân tích cao cấp tại ActivTrades cho biết.
Mặc dù chính quyền của ông Trump đã tạm hoãn áp dụng thuế quan toàn cầu trong 90 ngày tới, các nhà kinh tế lưu ý rằng, cuộc chiến thương mại vẫn chưa kết thúc. Chính phủ cho biết sẽ duy trì mức thuế cơ bản 10% đối với các quốc gia bao gồm Canada, Mexico và Liên minh châu Âu. Mỹ cũng đang leo thang chiến tranh thương mại với Trung Quốc, khi áp thuế nhập khẩu đối với quốc gia này lên tới 125%.
Một số nhà phân tích cho rằng, sẽ cần thời gian để khắc phục toàn bộ thiệt hại mà các mức thuế đã gây ra cho thị trường toàn cầu. Ông Bill Adams, Kinh tế trưởng Ngân hàng Comerica cho rằng, mặc dù chỉ số S&P 500 đã phục hồi khỏi mức đáy nhưng vẫn giảm 8% tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay. Các doanh nghiệp sẽ cảm thấy nhẹ nhõm khi chính sách thương mại có vẻ ít gây rối loạn hơn so với dự đoán hôm qua. Tuy nhiên, sự không chắc chắn lớn về chính sách vẫn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư trong vài tháng tới.
Bên cạnh đó, mức thuế 125% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ là vấn đề lớn đối với nhiều doanh nghiệp nếu được giữ nguyên. Sau cú sốc thuế hồi tháng 4, sự không chắc chắn về chính sách thương mại có khả năng sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế năm 2025 nhiều hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên Tổng thống Trump nắm quyền.
Ông Jeffrey Roach, Kinh tế trưởng tại LPL Financial cho rằng, nền kinh tế có khả năng sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Biến động thị trường có thể vẫn ở mức cao, bất chấp việc tạm ngưng áp thuế 90 ngày đối với các quốc gia không trả đũa. Dữ liệu thực tế từ đầu năm cho thấy nền kinh tế đang chậm lại, bất kể chính sách thương mại như thế nào.