Giá dầu hạ hơn 4% trong phiên giao dịch ngày thứ Ba bởi những nỗi lo về khả năng Quốc hội Mỹ có thể không thông qua thỏa thuận về trần nợ. Ngoài ra, thông điệp trái chiều từ những nước sản xuất dầu lớn của thế giới làm u ám triển vọng nguồn cung trước thềm cuộc họp của các nước sản xuất dầu và liên minh (OPEC+) trong cuối tuần qua.
Đóng cửa phiên giao dịch, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai hạ 3,53USD/thùng tương đương 4,6% xuống còn 73,54USD/thùng trên thị trường London. Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ hạ 3,21USD/thùng tương đương 4,4% xuống 69,46USD/thùng.
Một số chính trị gia Đảng Cộng hòa nói rằng họ có thể phản đối thỏa thuận nâng trần nợ tại Mỹ, nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy hiện vẫn lạc quan về khả năng thỏa thuận này sẽ được thông qua.
Ông Biden và McCarthy vào cuối tuần qua đã có được sự đồng thuận về khả năng thỏa thuận về trần nợ sẽ được Quốc hội Mỹ thông qua trước ngày 5/6/2023, ngày mà Bộ Tài chính Mỹ cho biết nước Mỹ sẽ chính thức bắt đầu không thể thực hiện được các nghĩa vụ tài chính, nếu khả năng này xảy ra, các thị trường tài chính sẽ bị gián đoạn. Vào ngày thứ Ba, ông McCarthy đã hối thúc các thành viên trong đảng của ông ủng hộ thỏa thuận này.
Chuyên gia phân tích tại quỹ Price Futures Group, ông Phil Flynn, nhận xét: “Điều mà thị trường quan tâm ở hiện tại chính là những căng thẳng xung quanh vấn đề trần nợ. Cho đến khi chúng ta có được kết quả bỏ phiếu, thị trường sẽ vẫn chịu những tác động”.
Thời hạn chót nâng trần nợ của Mỹ khá gần với thời điểm cuộc họp ngày 4/6/2023 của OPEC+ bao gồm các nước sản xuất dầu lớn của thế giới và đồng minh trong đó có Nga. Nhà đầu tư hiện không chắc chắn về khả năng liệu nhóm này có tăng được sản lượng trong bối cảnh sự suy giảm về giá cả gây sức ép lên thị trường.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia – ông Abdulaziz bin Salman vào tuần trước đã cảnh báo những nhà đầu tư bán khống trên thị trường về khả năng giá dầu sẽ giảm và vì vậy họ nên cẩn trọng, đây có thể là dấu hiệu cho thấy OPEC+ có thể cắt giảm sản lượng.
Tuy nhiên, tuyên bố từ các quan chức ngành năng lượng của Nga, trong đó có Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak, cho thấy nước sản xuất dầu lớn thứ 3 của thế giới hiện đang hướng đến việc không thay đổi sản lượng dầu.
Vào tháng 4/2023, Saudi Arabia và một số nước thành viên khác thuộc OPEC+ thông báo cắt giảm sản lượng thêm 1,2 triệu thùng dầu/ngày, nâng tổng mức cắt giảm sản lượng của OPEC+ từ đầu năm đến nay lên 3,66 triệu thùng dầu/ngày, theo tính toán của Reuters.
Số liệu công bố vào tuần này cho thấy kinh tế Trung Quốc hạ nhiệt tăng trưởng, nhu cầu nhiên liệu tại nước nhập khẩu dầu nhiều nhất thế giới nhiều khả năng đi xuống.
Giá dầu tuy nhiên cũng chịu ảnh hưởng bởi những kỳ vọng về lãi suất. Trong khoảng thời gian dài, thị trường đã dự báo về khả năng sẽ có những đợt cắt giảm lãi suất của nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới khi mà thời điểm cuối của năm 2023 dần đến.
Tuy nhiên trong bối cảnh hiện tại, lạm phát cao dai dẳng, thị trường lao động ổn định và kinh tế toàn cầu vững vàng đang khiến cho nhiều chuyên gia kinh tế phải điều chỉnh lại dự báo của mình, theo nội dung bài báo được CNBC đăng tải.
Gần đây, số liệu kinh tế Mỹ và GDP tốt hơn kỳ vọng đã cho thấy rủi ro lớn mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải đối mặt nếu bất ngờ ngừng hãm phanh chính sách tiền tệ. Sự vững vàng của nền kinh tế cũng như sự ổn định trên thị trường lao động sẽ có thể tạo ra áp lực lớn lên mức lương cũng như lạm phát. Áp lực lạm phát tăng đi kèm áp lực tăng lương cao.
Chỉ số giá tiêu dùng chủ chốt tại Mỹ đã hạ nhiệt đáng kể tính từ khi lập mức đỉnh 9% trong tháng 6/2022. Chỉ số này rơi xuống còn chỉ 4,9% trong tháng 4/2023, tuy nhiên vẫn quá cao so với mức mục tiêu 2% của Fed. Chỉ số CPI lõi, chỉ số vốn không tính đến giá thực phẩm và năng lượng vốn có nhiều biến động, trong tháng 4/2023 tăng 5,5%.
Vào đầu tháng này, Fed đã đưa ra quyết định nâng lãi suất lần thứ 10 tính từ tháng 3/2023, lãi suất của Fed hiện đang trong ngưỡng từ 5% đến 5,25%. Chủ tịch Fed nói rằng việc hãm lại chu kỳ điều chỉnh lãi suất nhiều khả năng sẽ xảy ra trong cuộc họp vào tháng 6/2023.
Dù vậy, biên bản từ cuộc họp lần gần nhất cho thấy một số thành viên hiện vẫn cho rằng cần phải có những đợt nâng lãi suất trong khi đó một số quan chức khác cho rằng sự chững lại về tăng trưởng sẽ làm giảm đi nhu cầu siết chặt hơn nữa chính sách tiền tệ.
Những tuần gần đây, một số quan chức Fed bao gồm chủ tịch Fed tại St. Louis – ông James Bullard và chủ tịch Fed tại Minneapolis – ông Neel Kashkari đã phát đi thông điệp rằng lạm phát dai dẳng sẽ khiến cho chính sách tiền tệ còn bị siết chặt trong thời gian dài hơn, và sẽ có thêm những đợt nâng lãi suất nữa trong khoảng thời gian còn lại của năm.