"Nhàm chán" với câu chuyện vượt 1.300 điểm, thị trường cần tìm động lực mới
Thị trường chứng khoán liên tục bị dồn nén và thiếu đi sự hào hứng trước mốc 1.300 điểm. Các chuyên gia đã đưa ra quan điểm về vận động thị trường khi xuất hiện tâm lý nhàm chán trong một bộ phận nhà đầu tư.
Thị trường đã sẵn sàng cho mốc 1.300 điểm hay chưa?
Ông Trần Trương Mạnh Hiếu
Thị trường tuy gặp khó khăn khi kiểm định ngưỡng 1.300 điểm trong giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, xu hướng tăng vẫn được duy trì. Bên cạnh đó, dòng tiền vẫn đang hỗ trợ tốt quanh vùng giá thấp. Vì thế, xu hướng tăng có thể tiếp tục; tuy nhiên, để có thể vượt 1.300 điểm, thị trường cần thêm sự tích lũy.
Với ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc tư vấn đầu tư Chứng khoán Maybank, tuần qua thị trường vẫn gặp khó khi tiến gần ngưỡng cản tâm lý 1.300 điểm. Cứ đến mốc này, nhiều nhà đầu tư chần chừ quan sát và trông chờ người khác “dũng cảm” để đưa VN-Index phá đỉnh cũ.
Sau nhiều lần kiểm định thất bại, vùng cản này đang tạo lên áp lực tâm lý đè nặng thị trường. Dòng tiền không quá mạnh nên việc vượt mốc này càng trở nên khó khăn. Rất khó để đoán định việc có vượt mốc 1.300 được hay không trong tuần mới nay.
Còn bà Nguyễn Thị Thùy Linh - Giám đốc Trung tâm phân tích Chứng khoán An Bình (ABS) đưa ra 2 kịch bản cho thị trường: (1) Thị trường điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1 tại 1.260-1.245 điểm; (2) Thị trường điều chỉnh sâu hơn phá qua ngưỡng hỗ trợ 1 với lực bán mạnh, khi thị trường cho tín hiệu ở ngưỡng hỗ trợ 2, nhà đầu tư có thể mua thăm dò và mua gia tăng khi thị trường cho tín hiệu lực cầu vào mạnh.
Nhàm chán với câu chuyện vượt 1.300 điểm, thị trường đi tìm những động lực
Ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng Phòng phân tích Chiến lược CTCK KIS Việt Nam cho rằng thị trường vẫn đang trong xu hướng tăng trung dài hạn và chỉ số nhiều khả năng vượt được ngưỡng 1.300 điểm do nền kinh tế vẫn trong xu hướng phục hồi, điều này sẽ hỗ trợ xu hướng của thị trường chứng khoán.
Cùng với đó, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới như Fed, ECB, PBoC… đang thay đổi chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng, điều này sẽ tạo ra dòng vốn với chi phí rẻ trên toàn cầu, qua đó thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển.
Ông Phan Dũng Khánh
Còn ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Chứng khoán Maybank cho biết, thông tin sẽ ra nhiều hơn trong mùa BCTC quý III/2024. Kết quả tốt hay xấu sẽ phản ánh vào giá cổ phiếu, cổ phiếu còn định giá hấp dẫn sẽ hút được dòng tiền.
Song nhìn chung, dòng tiền khó có thể bật lên được với những thông tin này. Như tuần trước, lực cầu còn khá yếu, dù kết quả công bố nhiều doanh nghiệp khá tích cực.
Trong khi vĩ mô vẫn đang thể hiện sự hồi phục cùng kết quả tăng trưởng GDP gây “bất ngờ” với nhiều tổ chức quốc tế, vậy tại sao VN-Index cứ giậm chân mãi ở vùng 1.200 này suốt 20 năm qua?
Có thể lý giải do dòng tiền vào chứng khoán phần do chịu ảnh hưởng từ xu hướng đa dạng hóa đầu tư. Khi thị trường vàng, bất động sản tăng chóng mặt, và quá thu hút sự chú ý, thì một bộ phận nhà đầu tư xao nhãng với chứng khoán và nhàm chán hơn với câu chuyện vượt đỉnh cũ 1.300 điểm.
Để vượt lại đỉnh 1.300 và “trụ” lại hoặc đẩy lên cao hơn, ông Khánh đánh giá "sẽ cần thêm thời gian, động lực, cú huých đối với thị trường. Sắp tới những thông tin được quan tâm như kỳ họp Quốc hội trong nước hay bầu cử Mỹ sắp diễn ra".
Chiến lược giao dịch
Bà Nguyễn Thị Thùy Linh
Bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Giám đốc Trung tâm phân tích Chứng khoán An Bình lưu ý thị trường chung đang cho tín hiệu điều chỉnh ngắn hạn, sau khi chưa vượt qua được 1.300 ở tháng 9. "Nhà đầu tư chú trọng giao dịch ngắn hạn trong biên độ giá thị trường đi ngang như đề cập trong hai kịch bản kể trên, đưa ra quyết định mua khi thị trường di chuyển tới mốc hỗ trợ."
Trong khi đó, Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng Phòng phân tích Chiến lược CTCK KIS Việt Nam đưa ra gợi ý chiến lược tiếp tục nắm giữ danh mục cổ phiếu hiện tại. Nếu chỉ số vượt được ngưỡng 1.300 điểm, nhà đầu tư có thể tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục do xu hướng tăng ngắn hạn đã được xác nhận.