Phiên giao dịch ngày thứ Năm, giá dầu không có nhiều thay đổi, tuy nhiên giá dầu có một tuần tăng bởi thị trường tính đến khả năng sẽ có nhiều biện pháp cắt giảm sản lượng được OPEC+ đưa ra, đồng thời dự trữ dầu tại Mỹ giảm cũng khiến nhiều người lo sợ về triển vọng kinh tế toàn cầu.
Đóng cửa phiên giao dịch, giá dầu Brent trên thị trường London tăng 13 cent tương đương 0,2% lên 85,12USD/thùng. Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI tăng 9 cent tương đương 0,1% lên 80,70USD/thùng. Thị trường sẽ nghỉ giao dịch trong phiên ngày thứ Sáu.
Trong tuần này, cả hai loại giá dầu tăng hơn 6% sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) khiến thị trường bất ngờ với cam kết giảm sản lượng.
Các quỹ đầu cơ đã mua vào dầu trong suốt tuần qua, họ chuyển từ trạng thái đứng ngoài thị trường sang trạng thái chuộng rủi ro”, theo phân tích của phó chủ tịch bộ phận đầu tư tại BOF Financial – ông Dennis Kissler.
Trong tuần này, giá dầu được hỗ trợ bởi thông tin dự trữ dầu giảm sâu hơn kỳ vọng, dự trữ dầu tại Mỹ trong tuần trước giảm đến tuần thứ 2. Dự trữ xăng và các sản phẩm khác đồng thời giảm đi, nó cho thấy nhu cầu đang phục hồi trở lại.
Cũng trong tuần, các doanh nghiệp năng lượng Mỹ giảm số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động đến tuần thứ 2 liên tiếp. Số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động, chỉ báo quan trọng về sản lượng dầu trong tương lai, giảm xuống còn 590 trong tuần này, theo số liệu của Baker Hughes.
Số liệu trên thị trường lao động Mỹ cho thấy tăng trưởng kinh tế đang chững lại, đồng thời ngành dịch vụ cũng ghi nhận sự suy yếu mạnh hơn so với tính toán.
Động thái mới nhất từ phía OPEC nhiều khả năng sẽ khiến cho quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia trở nên căng thẳng hơn. Trong năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tăng sản lượng dầu và rồi sau đó ngay trong cuộc họp lần tiếp theo, OPEC giảm sản lượng.
Tuyên bố của OPEC vào ngày thứ Hai khẳng định về việc cắt giảm sản lượng tự nguyện như động thái phòng vệ nhắm đến ủng hộ cho sự ổn định trên thị trường dầu.
Nước sản xuất dầu hàng đầu OPEC, Saudi Arabia, công bố sẽ giảm sản lượng mạnh tay nhất, mức hạ ghi nhận 500.000 thùng dầu/ngày, sau đó đến Iraq 211.000 thùng, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (144.000 thùng), 5 nước còn lại đồng thời cắt giảm sản lượng.
Lạm phát là sự mất giá của sức mua đồng tiền qua thời gian, điều đó đồng nghĩa với một đồng của tương lai sẽ không có giá trị mua hàng cao như một đồng của hiện tại.
Điều gì đã gây ra lạm phát? Đó có thể là kết quả của việc nhu cầu tiêu dùng tăng lên. Tuy nhiên lạm phát có thể tăng hoặc giảm dựa trên diễn biến không liên quan nhiều đến điều kiện kinh tế, ví như sản lượng dầu hạn chế hoặc những vấn đề về chuỗi cung ứng.
Hiện đang có quá nhiều yếu tố bất ổn ám ảnh triển vọng kinh tế toàn cầu. Người ta hiện chưa thể chắc chắn về việc kinh tế Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới và đồng thời là khách hàng lớn nhất của Saudi Arabia sẽ hồi phục như thế nào sau thời kỳ phong tỏa.
Đồng thời người ta cũng khó đánh giá được hết những thiệt hại kinh tế từ những biến động gần đây trong ngành ngân hàng. Giá dầu cao đồng thời cũng khuyến khích tăng cường đầu tư và sản xuất từ nhiều doanh nghiệp sản xuất năng lượng khác, ví như các công ty dầu tại Mỹ.
Tại Mỹ, giá xăng đã không ngừng tăng trong những tuần trước.
Bằng việc giảm sản lượng dầu, Saudi Arabia hiện đang phát đi thông điệp rằng họ lựa chọn hành động chứ không thụ động chờ diễn biến thị trường. Không ít chuyên gia cũng nhận định Saudi Arabia sẽ còn tiếp tục hạ sản lượng trong năm nay.
Nhóm OPEC+ bao gồm OPEC, Nga và một số nước sản xuất dầu khác của thế giới, sản xuất ước tính khoảng nửa sản lượng dầu của thế giới. Vào tháng 2/2023, Nga tuyên bố sẽ hạ sản lượng ước tính khoảng 500.000 thùng dầu/ngày nhằm phản ứng với các biện pháp trừng phạt từ phương Tây vốn đã gây tổn hại đến nhu cầu dầu.