Ngày 7/12, người phát ngôn của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết Nga sẽ có phản ứng chính thức về việc các nước phương Tây áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga sau khi Moskva hoàn tất quá trình phân tích tình hình.
Ông Peskov nhấn mạnh "việc phân tích tình hình trong lĩnh vực này đang tiếp tục diễn ra. Sau khi quyết định cuối cùng được đưa ra, nó sẽ được trình bày dưới dạng văn bản."
Trước đó, phát biểu với báo giới, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho rằng việc phương Tây áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga sẽ khiến giá nhiên liệu tăng cao hơn nữa do thiếu nguồn cung.
Trong khi đó, báo Vedomosti của Nga cùng ngày 7/12 đưa tin Nga đang cân nhắc 3 lựa chọn, gồm cấm bán dầu mỏ trực tiếp và gián tiếp (thông qua bên trung gian) cho các quốc gia áp giá trần, cấm xuất khẩu theo các hợp đồng đi kèm điều kiện giá trần bất kể bên nhận là nước nào, và thiết lập mức chiết khấu tối đa đối với dầu Urals của Nga. Tuy nhiên, hiện Bộ Năng lượng Nga chưa đưa ra bình luận gì.
Ngày 3/12, chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã hoàn thành việc phê chuẩn bằng văn bản đối với mức giá trần 60 USD/thùng do Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đề xuất đối với dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của Nga.
Lệnh cấm vận nhằm vào dầu mỏ của Nga này, được G7, EU và Australia thống nhất áp đặt, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/12. Theo đó, dầu mỏ của Nga chỉ được phép vận chuyển đến các nước thứ ba bằng tàu chở dầu của G7 và EU, cũng như các công ty bảo hiểm và tổ chức tín dụng khi dầu được mua bằng hoặc thấp hơn mức giá trần nói trên.
Vì các công ty vận chuyển và bảo hiểm quan trọng của thế giới đều có trụ sở tại các nước G7, nên mức trần này có thể khiến Nga khó bán dầu với giá cao hơn. Mức giá trần sẽ được xem xét mỗi 2 tháng, bắt đầu từ giữa tháng 1/2023.