Tình trạng thiếu sữa công thức cho trẻ em ở Mỹ đã khiến nhiều gia đình gặp khó khăn trong việc cố gắng đảm bảo nguồn dinh dưỡng cho trẻ.
Các nhà nghiên cứu về sức khỏe cho biết, sự thiếu hụt sữa công thức đang ngày càng trầm trọng hơn do tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ tại Mỹ thấp hơn so với hầu hết các nước công nghiệp phát triển khác, khiến nước này đặc biệt dễ bị tổn thương trước những cú sốc trên thị trường sữa bột.
Một cách tiếp cận lỏng lẻo
Các chuyên gia này cho rằng hoạt động quảng cáo và tiếp thị tích cực của các nhà sản xuất sữa bột trẻ em đã làm suy yếu vai trò của hoạt động nuôi con bằng sữa mẹ và ảnh hưởng đến quyết định sử dụng sữa công thức của các bà mẹ mới sinh.
Trong khi đó, không giống như nhiều quốc gia khác, giới chức Mỹ có một cách tiếp cận lỏng lẻo đối với các hoạt động tiếp thị sữa công thức.
Các nhà sản xuất sữa công thức phân phối sữa miễn phí cho các bệnh viện, khuyến khích bác sỹ và nhân viên y tế cung cấp sữa miễn phí cho các bà mẹ mới sinh và thuê những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội quảng cáo về lợi ích của sữa công thức cho những bà mẹ mới sinh hoặc đang mang thai. Các chuyên gia y tế cho rằng đây là những chiến lược nhằm hạn chế vai trò của việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, trong một báo cáo hồi tháng Hai: “Hoạt động tiếp thị sữa công thức - được hỗ trợ bởi nguồn ngân sách khổng lồ và sự lạm dụng khoa học một cách cố ý - đang thúc đẩy việc tiêu thụ quá nhiều sữa công thức và không khuyến khích việc nuôi con bằng sữa mẹ”.
Báo cáo cho biết, ngành công nghiệp sữa công thức đang "tác động một cách có hệ thống đến các quyết định cho con ăn của cha mẹ" và so sánh những nỗ lực này với hoạt động tiếp thị thuốc lá hoặc cờ bạc.
Chắc chắn, sữa công thức là một lựa chọn quan trọng, là chiếc “phao cứu sinh” cho những bậc cha mẹ không thể cho con bú hoặc không được nghỉ làm để làm việc đó. Tuy nhiên, đã có những lo ngại cho rằng ngành công nghiệp này đang tiếp thị sản phẩm cho những người không cần đến sữa công thức.
Để đáp lại, các nhà sản xuất sữa công thức cho trẻ sơ sinh cho biết, họ đang cung cấp một lựa chọn an toàn, bổ dưỡng cho những trẻ không thể tiếp cận được nguồn sữa mẹ.
Người phát ngôn của Hội đồng Dinh dưỡng Trẻ sơ sinh Mỹ, một nhóm thương mại đại diện cho các nhà sản xuất sữa công thức, cho biết: “Các bà mẹ nên được khuyến khích và hỗ trợ cho con bú sữa mẹ. Tuy nhiên, nếu sữa mẹ không có sẵn hoặc không được lựa chọn, cha mẹ có quyền tiếp cận với nguồn thông tin chính xác, cân bằng về tất cả những lựa chọn nuôi dưỡng trẻ sơ sinh thích hợp".
Kệ hàng sữa công thức cho trẻ trống trơn do hết hàng tại một siêu thị ở New York, Mỹ, ngày 24/5/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Cần quy định chặt chẽ hơn để cải thiện tình trạng an ninh dinh dưỡng trẻ sơ sinh
Những chiến lược tiếp thị tích cực của các nhà sản xuất sữa công thức đã đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích các bà mẹ sử dụng sữa công thức.
"Tiếp thị ảnh hưởng đến các chuẩn mực xã hội bằng cách làm cho người ta tin rằng việc sử dụng sữa công thức đã trở nên rộng rãi, hiện đại và sữa công thức là tương đương hoặc thậm chí tốt hơn sữa mẹ", theo kết quả của một nghiên cứu được công bố năm 2015 trên tạp chí Food and Nutrition Bulletin.
Tuy nhiên, bằng chứng rõ ràng về tác động tiêu cực của việc này đã được tìm thấy khi sữa công thức được cung cấp miễn phí trong các cơ sở phụ sản và được quảng bá bởi các nhân viên y tế và trên các phương tiện truyền thông.
Không giống như nhiều quốc gia khác, Chính phủ Mỹ đã không kiểm soát đối với hầu hết các hoạt động tiếp thị của ngành công nghiệp sữa bột trẻ em. Mỹ đã không ký bộ luật quốc tế về Tiếp thị Sản phẩm Thay thế Sữa mẹ được Tổ chức Y tế Thế giới ban hành vào năm 1981 nhằm cấm tiếp thị sữa công thức cho trẻ em ra công chúng. Quy tắc này được phát triển nhằm kiểm soát mối tương quan nghịch giữa việc tiếp thị sữa công thức và tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ.
Amelia Psmythe Seger, Phó Giám đốc Ủy ban Nuôi con bằng sữa mẹ Mỹ, nhận định: “Việc chính phủ không chỉnh đốn hoạt động tiếp thị của ngành công nghiệp sữa công thức trị giá 55 tỷ USD có nghĩa là các gia đình Mỹ không được hỗ trợ và bảo vệ trước những thông điệp mang tính lợi dụng vào thời điểm họ dễ bị tổn thương".
Ủy ban Nuôi con bằng sữa mẹ đã kêu gọi chính phủ đưa ra các quy định chặt chẽ hơn, đồng thời tăng cường mạng lưới quốc gia gồm các ngân hàng sữa tài trợ phi lợi nhuận và các chính sách như nghỉ phép vẫn được hưởng lương quốc gia để cải thiện tình trạng an ninh dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh.
Trong khi đó, người phát ngôn của Hội đồng Dinh dưỡng Trẻ sơ sinh Mỹ, nhóm đại diện cho các nhà sản xuất sữa công thức, nói rằng các công ty thành viên của họ ủng hộ các "mục tiêu và nguyên tắc" của bộ luật WHO về Tiếp thị Sản phẩm Thay thế Sữa mẹ.
Họ khẳng định các nhà sản xuất sữa công thức "có các quy trình kiểm tra và phê duyệt nội bộ rộng rãi" để đảm bảo các hoạt động thực hành của họ đáp ứng tất cả các yêu cầu pháp lý, quy định và khoa học dinh dưỡng.
“Rất khó để trở thành một bà mẹ cho con bú ở Mỹ”
Các công ty sữa công thức trong quá khứ đã tập trung vào việc đưa sản phẩm đến tay các bà mẹ mới sinh khi họ vẫn đang ở bệnh viện, bởi đây là thời điểm quan trọng đối với quyết định nuôi con bằng sữa mẹ hay không.
Melissa Bartick, trợ lý Giáo sư tại trường Y thuộc Đại học Harvard, cho biết: “Cơ sở cốt lõi trong chiến lược tiếp thị của họ là đưa các mẫu thử miễn phí đến tận tay các bà mẹ đang cho con bú. Những gì họ hy vọng sẽ xảy ra là nếu một người mẹ đang cho con bú gặp bất kỳ rắc rối nào, cô ấy sẽ có sẵn sữa công thức trong bình để thay thế và cho con ăn".
Bà Bartick nói rằng đây là một “vòng luẩn quẩn”, bởi một người mẹ cho con bú càng thường xuyên thì sữa càng tiết ra nhiều. Tuy nhiên, "nếu người mẹ ấy bắt đầu sử dụng sữa công thức, cơ thể của cô ấy sẽ tạo ra ít sữa hơn.... Trước khi người mẹ nhận ra sự thay đổi thì cơ thể cô ấy đã sản xuất ra ít sữa hơn và cô ấy trở nên phụ thuộc vào sữa công thức”.
Gần đây hơn, tiếp thị kỹ thuật số nhắm trực tiếp đến phụ nữ mang thai trực tuyến cũng đang tác động đến quyết định sử dụng sữa công thức, theo báo cáo tháng Tư của WHO.
Báo cáo cho thấy các công ty sản xuất sữa công thức sử dụng các công cụ như ứng dụng, nhóm hỗ trợ trực tuyến hoặc "câu lạc bộ trẻ em", thuê những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội và mua quảng cáo trả phí để tạo nghi ngờ về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ, đồng thời nói về lợi thế của sữa công thức.
Mặc dù 84% trẻ sơ sinh ở Mỹ bắt đầu được bú sữa mẹ, nhưng chỉ 1/4 được bú mẹ hoàn toàn sau 6 tháng, theo dữ liệu mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh. Trẻ da đen có tỷ lệ bú mẹ thấp hơn trẻ da trắng.
Học viện Nhi khoa Mỹ đã khuyến nghị trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu đời. Tổ chức này còn kêu gọi hỗ trợ nhiều hơn cho các bà mẹ đang cho con bú bằng sữa mẹ.
Nuôi con bằng sữa mẹ mang lại một loạt lợi ích sức khỏe ngắn hạn và dài hạn ở trẻ sơ sinh, bao gồm giảm tỷ lệ nhiễm trùng đường hô hấp, tiêu chảy nặng và các tình trạng khác.
Việc nuôi con bằng sữa mẹ cũng mang lại nhiều lợi ích cho các bà mẹ, bao gồm giảm nguy cơ ung thư vú, ung thư buồng trứng và bệnh tiểu đường loại 2.
Tất nhiên, tiếp thị khôn ngoan không phải là lý do duy nhất khiến các bà mẹ chuyển sang dùng sữa công thức. Các chuyên gia y tế cho rằng việc nước Mỹ thiếu các chính sách mạnh mẽ nhằm hỗ trợ các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ đã góp phần làm giảm tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ.
Hầu hết trẻ sơ sinh ở Mỹ không được sinh ra trong những bệnh viện có tiêu chuẩn "Thân thiện với trẻ nhỏ", tiêu chuẩn toàn cầu được đặt ra để hỗ trợ việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Các bệnh viện "Thân thiện với trẻ nhỏ" áp dụng nhiều chiến lược để thúc đẩy việc nuôi con bằng sữa mẹ, chẳng hạn như tiếp xúc da kề da không gián đoạn ngay sau khi sinh và họ không cho phép sử dụng sữa công thức ngoại trừ lý do y tế.
Ngoài ra, sau khi các bà mẹ xuất viện, việc cho con bú thường trở nên khó khăn - đặc biệt là đối với các bà mẹ có thu nhập thấp. Ở Mỹ, nhiều nơi làm việc không có cơ sở vật chất hỗ trợ việc hút sữa, và việc cho con bú nơi công cộng thường bị kỳ thị.
Nhận xét về việc này, Trợ lý Giáo sư Bartick nói: “Rất khó để trở thành một bà mẹ cho con bú ở Mỹ”.