Diễn biến của các đồng nội tệ châu Á trong năm nay sẽ phụ thuộc vào quá trình phục hồi của kinh tế Trung Quốc, theo nhận định của các chuyên gia phân tích. Nhiều chuyên gia kinh tế tin rằng nền kinh tế lớn nhất châu Á sẽ tăng trưởng đủ mạnh để kéo theo tăng trưởng của nhiều nước Đông Nam Á láng giềng, theo nội dung bài báo mới được Nikkei đăng tải.
Các đồng nội tệ trong khu vực đã có nửa đầu năm tăng trưởng yếu khi mà thương mại suy giảm và liên tiếp các đợt nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ảnh hưởng làm tăng sức hấp dẫn của đồng USD.
Tuy nhiên khi mà Fed đang tiến gần đến điểm cuối của chu kỳ nâng lãi suất, kinh tế Trung Quốc cũng đang tăng trưởng tốt hơn sau khi các biện pháp nới lỏng kiểm soát COVID-19 được gỡ bỏ, công ty chứng khoán Mizuho dự báo những đồng tiền bao gồm đồng ringgit của Malaysia, rupiah của Indonesia, đồng bath Thái và đồng peso của Philippines đều sẽ tăng giá so với đồng USD trước thời điểm cuối năm 2023.
“Diễn biến của các đồng tiền trong ASEAN có mối liên quan trực tiếp với kinh tế Trung Quốc và đồng nhân dân tệ. Nếu kinh tế Trung Quốc tăng trưởng đúng với kỳ vọng, thương mại với Trung Quốc sẽ được kích thích, nhờ vậy làm tăng giá các đồng tiền”, trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ tại ngân hàng đầu tư Mizuho – ông Masafumi Yamamoto phân tích.
Tuy nhiên không phải chuyên gia nào cũng lạc quan về triển vọng của Trung Quốc. Vào tuần trước, Trung Quốc công bố kinh tế tăng trưởng 6,3% trong quý 2/2023, con số này cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái khi mà Thượng Hải vẫn còn bị phong tỏa, tuy nhiên mức tăng trưởng này thấp hơn so với kỳ vọng của nhà đầu tư.
“Những đồng nội tệ này có thể đã qua thời kỳ đáy suy giảm, tuy nhiên hiện chưa có động lực tăng giá bởi xét đến việc kinh tế Trung Quốc chậm phục hồi và lãi suất thực tại các nước này ở ngưỡng thấp”, chuyên gia kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life – ông Toru Nishihama phân tích.
Chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách thị trường mới nổi tại công ty chứng khoán SMBC Nikko Securities, ông Kota Hirayama, dự báo cán cân thương mại của bốn nước trên sẽ không sớm cải thiện dù rằng ông thừa nhận mọi chuyện sẽ còn tùy thuộc vào diễn biến của kinh tế Trung Quốc.
Một yếu tố khác ảnh hưởng đến các đồng tiền châu Á còn nằm ở vấn đề chính trị. Những căng thẳng chính trị nội tại Thái Lan nhiều khả năng cũng sẽ làm yếu đồng tiền này, theo nhận định của các chuyên gia phân tích. Các cuộc bầu cử tại Malaysia vào tháng 8/2023 nhiều khả năng cũng sẽ tạo ra không ít thách thức.
Công ty chứng khoán Mizuho dự báo chi tiêu du lịch Trung Quốc cũng sẽ giúp đẩy tăng đồng bath Thái, trong khi đó việc thêm nhiều du khách Trung Quốc cũng như thương mại gia tăng cũng sẽ đẩy đồng ringgit tăng cao. “Xuất khẩu của Malaysia sẽ dần phục hồi cùng với sự cải thiện của kinh tế Trung Quốc”, ông Yamamoto nói.
Trong nửa đầu năm nay, đồng ringgit và đồng bath Thái giảm giá lần lượt 5,96% và 2% so với đồng USD. Đồng rupiah và đồng peso của Philippin tăng giá lần lượt 3,2% và 0,73%, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với ngưỡng của năm ngoái.
Kinh tế Trung Quốc đang đương đầu với không ít khó khăn sau ba năm áp dụng chính sách không COVID-19, số liệu mới nhất cho thấy thị trường việc làm vẫn đang đối diện nhiều thách thức, theo nội dung bài báo mới được Washington Post đăng tải.
Thị trường bất động sản và các ngành nghề liên quan hiện vẫn đang khó khăn. Nhóm các lĩnh vực này đóng góp khoảng 25% vào tổng GDP Trung Quốc. Tiêu dùng người dân suy yếu khi mà các hộ gia đình thận trọng với việc mua sắm các loại sản phẩm đắt tiền. Chính quyền các địa phương hiện đang chật vật với nhiều khoản nợ.
Giờ đây, những thách thức kinh tế đã gây ra tình trạng thất nghiệp leo thang, đặc biệt trong nhóm những người trẻ. Tỷ lệ thất nghiệp của những người trẻ trong độ tuổi từ 16 đến 24 lập mức kỷ lục 21% trong tháng 6/2023, tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng con số thực tế có thể cao hơn nhiều.