IFC cho biết sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp chăn nuôi gia súc hiện đại với mong muốn thúc đẩy sản xuất một cách tổng hợp theo các tiêu chuẩn sản xuất an toàn sinh học cao, từ đó gia tăng sản lượng thịt an toàn.
Tại lễ công bố, IFC cam kết sẽ cung cấp gói tài trợ tối đa 39 triệu USD, bao gồm 600 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi và 300 tỷ đồng trái phiếu thường dành cho BaF. Gói tài trợ trên với mục đích hỗ trợ sự tăng trưởng các trang trại chăn nuôi hiện đại khép kín, phát triển các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi và các nhà máy giết mổ chế biến thịt sạch.
Tại Việt Nam, BaF là một công ty chăn nuôi hàng đầu áp dụng mô hình sản xuất sạch 3F (FEED-FARM-FOOD).
Tính đến thời điểm hiện tại, BaF đã hoàn thiện chuỗi 3F minh chứng bằng việc sở hữu 23 trang trại hiện đại với tổng đàn heo lên đến 200.000 con; 2 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi - công suất 260.000 tấn/năm đạt Chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu GLOBALG.A.P. CFM 3.0 và Chứng nhận Hệ thống Quản lý thực phẩm FSSC 22000 V5.1; phân phối sản phẩm “heo ăn chay” độc quyền trong chuỗi thực phẩm SibaFood và mô hình BaF Meat Shop.
Sau thời gian thẩm định và thực hiện các thủ tục liên quan, BaF đã vượt qua các tiêu chuẩn khắt khe của IFC đưa ra.
Thứ nhất, về các tiêu chuẩn tài chính, doanh thu và lợi nhuận từ lĩnh vực chăn nuôi ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, các chỉ số tài chính phản ảnh tình trạng sức khỏe vững vàng trong các năm gần đây.
Thứ hai, về các tiêu chuẩn môi trường - xã hội (E&S), hầu hết các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi của BaF đạt tiêu chuẩn quốc tế, và các trang trại hiện đại được xây dựng bài bản với hệ thống xử lý nước thải tiên tiến đã hạn chế tối đa tác động đến môi trường. Các trang trại của BaF đa phần nằm tại các khu vực xa khu dân cư, và BaF luôn chú trọng sử dụng lao động địa phương, đóng góp ngân sách góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương.
Thứ ba, về quản trị Công ty, BaF luôn tuân thủ việc công bố thông tin minh bạch, đúng quy định nhằm đảm bảo quyền lợi tối đa cho các Cổ đông nhỏ lẻ.
Bà Bùi Hương Giang - Tổng Giám Đốc Công ty BaF cho biết, hoạt động hợp tác giữa BaF và IFC nhằm hướng đến mục đích hỗ trợ sự tăng trưởng các cơ sở chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi và chế biến thực phẩm đang và sẽ có kế hoạch xây dựng của BaF tại Việt Nam, thông qua gói tài chính đã thỏa thuận.
“Dưới sự tư vấn và hỗ trợ của IFC, BaF sẽ từng bước chuyển đổi từ chăn nuôi cá thể sang chăn nuôi nhóm, đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về an toàn sinh học, phúc lợi động vật, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường đa dạng sinh học tự nhiên và an toàn thực phẩm. Các hoạt động khác trong toàn chuỗi chăn nuôi khép kín như sản xuất cám, vận chuyển, giết mổ và phân phối cũng đều được đảm bảo tuân thủ theo các chuẩn mực toàn cầu cao nhất của IFC”, Tổng Giám Đốc Công ty BaF nói.
“Thông qua hỗ trợ các công ty như BaF, chúng tôi đang thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân địa phương trong chuỗi cung ứng kinh doanh nông nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững hơn. Điều này sẽ giúp thúc đẩy cạnh tranh và cải thiện các tiêu chuẩn, thực hành tại các trang trại, hỗ trợ ngành thực phẩm tiếp tục hiện đại hóa và áp dụng các thông lệ, thực hành quốc tế tốt nhất”, ông Samuel Dzotefe - Giám đốc Cấp cao Khối ngành Sản xuất, Kinh doanh Nông nghiệp & Dịch vụ của IFC khu vực Châu Á nói.
Sự đồng hành của IFC hứa hẹn sẽ hỗ trợ BaF hoàn thiện hơn việc áp dụng các tiêu chuẩn E&S vào hoạt động kinh doanh hướng đến phát triển bền vững thông qua các cam kết đảm bảo tạo môi trường, và điều kiện làm việc an toàn cho người lao động; xây dựng và thực hiện phúc lợi vật nuôi theo các tiêu chuẩn quốc tế như nuôi heo nái theo nhóm, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu các tác động từ hoạt động dự án đến môi trường. Đồng thời, cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm “Heo Ăn Chay” sạch, chất lượng cao, an toàn cho sức khỏe.
IFC - thành viên của Ngân hàng Thế giới là định chế tài chính toàn cầu lớn nhất, tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân tại các quốc gia đang phát triển. Và hỗ trợ ngành chăn nuôi là một lĩnh vực ưu tiên trong hoạt động của IFC tại Việt Nam, nhằm giúp ứng phó với sự bùng phát bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF) đã làm giảm đáng kể quy mô đàn heo và làm gián đoạn nguồn cung thịt heo, nguồn đạm động vật chính đối với người tiêu dùng.