Khối ngoại chuyển hướng bán ròng là một trong các yếu tố chính khiến thị trường điều chỉnh thời gian qua. Ông có bình luận gì về xu hướng của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN)?
Tôi cho rằng, khối ngoại bán ròng thời gian gần đây có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, trong suốt thời gian trước, định giá thị trường tương đối thấp. Khi đó NĐTNN mạnh dạn giải ngân, mua ròng liên tục. Tới nay, kết quả kinh doanh 2022 cho thấy không được như kỳ vọng dẫn tới P/E thị trường tăng lên trên vùng 10, một số mã lên 13 lần. Khối ngoại cho rằng giá không còn hấp dẫn nên không giải ngân, thậm chí chuyển sang hướng bán ròng.
Thứ hai, mối quan ngại về nền kinh tế thế giới vẫn còn, trong đó có thể một số nhà đầu tư nước ngoài đang có một vài kế hoạch đầu tư vào một số thị trường khác, có nhu cầu rút vốn ròng ở thị trường chính quốc, dẫn tới một số quỹ buộc phải bán để hoàn vốn lại cho các nhà đầu tư chính quốc, dẫn tới đảo ngược xu thế từ mua chuyển qua bán cổ phiếu.
Tuy nhiên, tôi thấy 2 yếu tố trên chỉ mang tính nhất thời. Với yếu tố định giá thị trường, kết quả kinh doanh 2022 đã xong, chúng ta đang chờ dự báo cho 2023, đặc biệt kết quả quý 1 sắp có. Năm nay, dự kiến tình hình khả quan dựa vào một số yếu tố như mặt bằng lãi suất thế giới có khuynh hướng chững lại, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có dấu hiệu hạ nhiệt dựa trên lạm phát đã đạt đỉnh, dư địa tăng lãi suất không còn nhiều, có thể đảo chiều, hạ lãi suất xuống thay vì tăng như lúc trước.
Trong nước các ngân hàng rục rịch giảm lãi suất huy động và cho vay dựa trên nỗ lực chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Đây là các yếu tố hỗ trợ cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, PMI có dấu hiệu tăng trở lại lên trên 51 điểm, là vùng sôi động cho thấy các hoạt động sản xuất công nghiệp đã tích cực trở lại. Một số thông tin cho thấy, doanh nghiệp may mặc xuất khẩu đơn hàng đã được nối lại, báo hiệu khả năng hồi phục của nền kinh tế, của doanh nghiệp. Theo đó EPS dự phóng 2023 tốt hơn.
Thêm vào đó, mặt bằng giá hiện tại với các phiên điều chỉnh vừa qua khiến cổ phiếu trở nên hấp dẫn trở lại.
Tôi cho rằng, dòng vốn NĐTNN sẽ sớm trở lại thị trường và mua ròng trong thời gian tới. Việc họ bán ròng thời gian qua không có gì đáng ngại khi con số thực tế là nhỏ so với lượng mua ròng trước đó. Cụ thể, trước đây, khối này mua ròng vài trăm tới hơn một nghìn tỷ một phiên. Gần đây, họ bán ròng nhưng giá trị chỉ vài chục tỷ, phiên cao điểm cũng chỉ 300-400 tỷ đồng.
Ông có đánh giá gì về bức tranh 2 ngành cổ phiếu chiếm vốn hóa lớn thị trường là ngân hàng và bất động sản?
Về bất động sản, với các thông tin chính sách gần đây, để thấy ngay những chuyển biến đảo chiều tích cực thì chưa có bằng chứng rõ nét. Nhưng tín hiệu tiềm năng trong tương lai thì đã bắt đầu có, đó là sự tham gia quyết liệt từ Chính phủ, Bộ Xây dựng, NHNN, các sở ngành, tích cực đưa ra giải pháp vực dậy thị trường bất động sản. Dù gói 110 nghìn tỷ Bộ Xây dựng đã rút nhưng vẫn còn gói 120 nghìn tỷ được NHNN đề xuất để hỗ trợ cho thị trường, đặc biệt tập trung cho lĩnh vực bất động sản nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, người thu nhập thấp.
Với gói trên sẽ tác động tích cực với những ngành nghề khác như xây dựng, vật liệu xây dựng, nhân công… khi đó tạo hiệu ứng lan tỏa cho nền kinh tế, doanh nghiệp. Chúng ta cần thời gian để Chính phủ, sở ngành triển khai thêm một số giải pháp cho tổng thể ngành bất động sản nói chung. Bất động sản gặp khó nhưng sẽ sớm được hồi phục.
Về ngân hàng, vấn đề nợ xấu được nhắc đến nhiều nhưng không là vấn đề quá lớn. Đa số dư nợ ngành ngân hàng là bất động sản nhưng giai đoạn khó khăn nhất của bất động sản đã qua khi được Chính phủ, các bộ, sở ngành hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc về vấn đề phát hành trái phiếu…
Khách hàng lớn nhất là bất động sản sẽ được hồi phục dần, dư nợ bất động sản sẽ chuyển biến tích cực hơn, ngân hàng sẽ bớt phải trích lập dự phòng, được hoàn nhập các khoản dự phòng trích lập trước đó thì biên lợi nhuận ngành sẽ cải thiện.
Bản thân ngành ngân hàng cũng hoạt động tốt, ngay trong 2022 là năm rất khó khăn do tác động COVID nhưng biên lợi nhuận ngành vẫn tăng trưởng tốt cho thấy các hoạt động ngành đang đi đúng hướng, có những giải pháp tự bảo vệ mình để duy trì suất sinh lợi tốt. Nói chung ngành ngân hàng ảnh hưởng không đáng kể, không đáng lo ngại.
Vừa qua, Chính phủ chính thức ban hành nghị định 08 liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp. Ông có nhận định gì về một số sửa đổi của Nghị định?
Tôi cho rằng, Nghị định 08 vừa ban hành gần như tháo gỡ hoàn toàn những nút thắt mà Nghị định 65 ban hành trước đây gây ra một số khó khăn thực tế cho doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư mua trái phiếu.
Thứ nhất, các doanh nghiệp có thể gia hạn thời gian thanh toán lãi, gốc trái phiếu thêm 2 năm. Trái phiếu đến hạn trong năm 2023 vào khoảng 53.000 tỷ, trong đó 6 tháng đầu năm khoảng 30.000 tỷ. Như vậy, nếu gặp khó khăn về dòng tiền doanh nghiệp có thể thương lượng với trái chủ gia hạn thêm 2 năm, có thời gian thu xếp dần nguồn tiền trả cho trái chủ.
Thứ hai, các doanh nghiệp được quyền thương thảo nhà đầu tư về việc dùng sản phẩm bất động sản của doanh nghiệp thanh toán thay cho lãi và gốc trái phiếu. Thay vì doanh nghiệp phải đi bán thì có thể thương lượng với trái chủ để cấn trừ, đây là hướng mở cho doanh nghiệp lẫn trái chủ có lối thoát, là yếu tố tích cực cho doanh nghiệp.
Thứ ba, nhà đầu tư không cần chứng minh là chuyên nghiệp với tài sản ròng luôn duy trì mức 2 tỷ vốn hạn chế đối tượng mua trái phiếu. Khi bỏ điều kiện này trả về tình hình thực tế sẽ gia tăng lượng nhà đầu tư tham gia mua trái phiếu.
Thứ tư là việc đánh giá thang điểm cho doanh nghiệp, hiện chưa tìm được tổ chức đánh giá bài bản, doanh nghiệp gặp khó trong việc tìm kiếm đơn vị độc lập. Yếu tố này tạm thời hoãn.
Bốn yếu tố trên thực sự đi sâu, trọng tâm, gỡ khó cho doanh nghiệp, nhà đầu tư có nhu cầu mua trái phiếu hoặc những nhà đầu tư đang nắm giữ trái phiếu có gặp một số khó khăn với tổ chức phát hành.
Ngoài ra, còn có yếu tố các doanh nghiệp không phải chịu điều kiện không được phát hành trái phiếu khoảng cách trong thời gian ngắn. Điều này giúp doanh nghiệp xoay sở bằng cách phát hành thêm trái phiếu huy động vốn mà không phải chờ đợi quá lâu.
Tôi cho rằng, với doanh nghiệp bất động sản, việc Nghị định 08 được ban hành giúp họ đã có ánh sáng ở cuối đường hầm, giúp họ có khả năng sống lại. Nếu không, khả năng nhiều doanh nghiệp bất động sản phá sản trong tương lai.
Với tình hình hiện nay, quan điểm của ông về xu hướng thị trường trong thời gian tới?
Nhiều người cho rằng xu hướng “down trend” sẽ tiếp diễn nhưng tôi không quá bi quan vì vẫn thấy dòng tiền gia nhập thị trường khi giá giảm sâu.
Tôi nghĩ trong ngắn hạn thị trường đang dao động trong biên độ hẹp, chưa xác lập xu thế rõ ràng, sẽ tích lũy dần cho tới khi thông tin kết quả kinh doanh quý 1 hay mùa đại hội đồng cổ đông tới có các thông tin về cổ tức tốt sẽ giúp thị trường giao dịch sôi động, nhà đầu tư sẽ đẩy mạnh mua vào giúp giá tăng tốt.
Cảm ơn ông chia sẻ!