Giới chức Trung Quốc hiện đang tăng cường những biện pháp để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng không đạt kỳ vọng, theo nội dung bài báo mới được CNBC đăng tải.
Trong tuần qua, giới chức Trung Quốc đã thông báo về nhiều cam kết nhắm đến một số lĩnh vực cụ thể hoặc đảm bảo cho các nhà đầu tư cá nhân và nước ngoài có môi trường đầu tư thuận lợi hơn, tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng các biện pháp thiếu đi chi tiết.
Vào ngày thứ Hai, Cơ quan Hoạch định Chính sách Kinh tế Trung Quốc công bố loạt biện pháp nhằm khuyến khích đầu tư tư nhân. Trước đó, chính phủ và Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã ra tuyên bố chung về việc sẽ đối xử với doanh nghiệp tư nhân tương đương với doanh nghiệp nhà nước.
Bắc Kinh đồng thời cam kết nhằm đảm bảo sự đối xử công bằng trong nhiều lĩnh vực, từ sở hữu trí tuệ cho đến quyền sở hữu đất đai, tín dụng hay nguồn cung lao động.
Trong bản tuyên bố 17 điểm, Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia (NDRC) cam kết sẽ thu hút thêm vốn đầu tư tư nhân tham gia vào việc phát triển các dự án của quốc gia cũng như các dự án chuỗi cung ứng công nghệ quan trọng.
NRDC cũng cho biết sẽ hỗ trợ cho đầu tư tư nhân trong nhiều lĩnh vực ví như giao thông, bảo vệ nguồn nước, năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng mới, sản xuất công nghệ cao và các dự án nông nghiệp hiện đại.
NRDC đồng thời khuyến khích nguồn vốn tư nhân vào các dự án hạ tầng để tăng cường đa dạng hóa tài sản cũng như thêm kênh tín dụng, đầu tư cho doanh nghiệp tư nhân.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) và Cơ quan Quản lý Ngoại hối Trung Quốc (SAFE) vào ngày thứ Năm đã công bố hướng dẫn về đầu tư vốn liên biên giới nhằm cho phép các doanh nghiệp có thể vay tiền nhiều hơn từ các nguồn nước ngoài.
Tâm lý của doanh nghiệp Trung Quốc trong thời gian gần đây đã xấu đi trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế không đạt kỳ vọng dù rằng giới chức Trung Quốc đã thông báo ngừng áp dụng chính sách không COVID-19.
Khoảng thời gian ba năm qua chứng kiến việc nhiều doanh nghiệp nền tảng Internet Trung Quốc trong đó có Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba và nhiều doanh nghiệp khác bị quản lý chặt chẽ hơn.
Giờ đây, giới chức Trung Quốc đã có những thay đổi về quan điểm. Trưởng bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc tại Capital Economics, ông Julian Evans-Pritchard, trong báo cáo công bố vào ngày thứ Sáu nhấn mạnh: “Sau khi “cứng rắn” với nhiều doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc trong những năm gần đây, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang chuyển hướng và đưa ra nhiều cam kết cấp cao để cải thiện môi trường kinh doanh”.
Trong quý 2/2023, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Kinh tế Trung Quốc được hỗ trợ bởi sự phục hồi của doanh số bán lẻ và dịch vụ, một phần cùng bởi hiệu ứng nền so sánh thấp, theo nội dung bài báo mới được Bloomberg đăng tải.
Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc vào ngày thứ Hai công bố tăng trưởng GDP quý 2/2023 thấp hơn so với kỳ vọng 6,9% của các chuyên gia. Tốc độ tăng trưởng này cao hơn so với con số 4,5% của quý 1/2023.
Quý 2/2022, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chỉ 0,4% khi mà các biện pháp phong tỏa để ngăn đại dịch COVID-19 không khỏi gây tổn hại đến các hoạt động kinh tế.
Các số liệu ban đầu cho thấy xuất khẩu sụt giảm 5,2% còn nhập khẩu hạ 6,9% bởi thương mại của Trung Quốc với nhiều nước lớn của thế giới trong đó có bao gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Đông Nam Á giảm sâu. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ hạ 16,7% còn nhập khẩu giảm 5,8%.
Hiện tại các chuyên gia kinh tế đang đồng thuận về khả năng quá trình phục hồi kinh tế Trung Quốc thời kỳ hậu đại dịch COVID-19 chịu gián đoạn bởi sự chững lại của kinh tế toàn cầu cũng như nhu cầu nội địa đi xuống.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế Trung Quốc được S&P công bố vào ngày Chủ Nhật, niềm tin của những đại diện doanh nghiệp tham gia khảo sát giảm xuống còn 23% từ mức 34% của tháng 2/2023. Con số này cũng thấp hơn mức 28% của toàn cầu.
Xuất khẩu của Trung Quốc tháng 6/2023 giảm đến tháng thứ 2 liên tiếp, nó cho thấy việc nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường bên ngoài chững lại cũng như tăng trưởng nội địa yếu đi trong bối cảnh lãi suất cao, theo Nikkei đưa tin.
Trung Quốc công bố hàng loạt biện pháp nhằm khuyến khích việc mua xe ô tô, đặc biệt với những xe sử dụng nguồn năng lượng mới.
Chính phủ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện đang chật vật trong những biện pháp giảm thiểu tác động từ dịch COVID-19 và kích thích tăng trưởng kinh tế, theo nội dung bài báo mới được Bloomberg đăng tải.
NDRC đã lập ra kế hoạch bao gồm 10 điểm trong đó có việc giảm chi phí xạc thiết bị đi lại bằng điện, kéo dài chương trình giãn thuế, tuy nhiên không công bố con số cụ thể.
So với cùng kỳ năm 2022, doanh số ô tô của Trung Quốc tăng chỉ 3% lên 9,52 triệu chiếc trong nửa đầu năm nay. Doanh số bán xe NEV, bao gồm xe chạy điện và xe lai điện xăng, tăng 37% lên 3,1 triệu chiếc, doanh số bán xe động cơ đốt trong giảm 8%.
Giới chức Trung Quốc đã không ngừng khuyến khích người dân mua xe, trong đó có việc tung ra chiến dịch tăng tỷ lệ sở hữu xe điện tại các khu vực nông thông.
Dù rằng một số doanh nghiệp đang kinh doanh tốt, cuộc chiến giá cả khơi mào bởi Tesla vào năm ngoái đã làm khó cho triển vọng các doanh nghiệp ô tô, nhiều doanh nghiệp phải chơi trò “đuổi bắt” để có thể đạt doanh số mục tiêu khi mà nhiều người mua tiềm năng vẫn tiếp tục trì hoãn việc mua sắm và chờ giá xe giảm sâu hơn.