Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới tiếp đà giảm với vàng giao ngay giảm 17,6 USD xuống 2.446,6 USD/ounce.
Hoạt động chốt lời sau đợt tăng mạnh vào đầu tuần tiếp tục gây áp lực lên vàng, khiến kim loại quý này mất tiếp gần 1%. Bên cạnh đó, báo cáo lạm phát mới nhất làm giảm sự lạc quan của thị trường về việc xoay trục chính sách tại cuộc họp chính sách tiếp theo cũng góp phần đẩy giá vàng đi xuống.
Theo báo cáo của Cục Thống kê Lao động của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng 0,2% vào tháng trước, sau khi giảm 0,1% vào tháng 6. So với cùng kỳ năm ngoái, CPI đã tăng 2,9%, sau khi tăng 3% vào tháng 6.
Theo công cụ FedWatch CME, sau báo cáo CPI được công bố, khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 9 đã giảm xuống 41% từ mốc 50% trước đó.
Nhiều chuyên gia cho rằng dữ liệu mới nhất đã gây thất vọng cho thị trường khi nó củng cố khả năng cắt giảm 25 điểm cơ bản thay vì 50 điểm như kỳ vọng. Điều này có thể làm giảm bớt động lực của thị trường vàng.
Mặc dù vàng đang chịu áp lực bởi lãi suất, chiến lược gia hàng hóa Ben Hoff của Societe Generale cho rằng, kim loại quý này vẫn đang được hỗ trợ đáng kể nhờ lực cầu trú ẩn an toàn do lo ngại căng thẳng địa chính trị.
Trong năm nay, vàng đã tăng 19% với giá giao ngay chạm mức cao kỷ lục 2.483,6 USD/ounce vào ngày 17/7 nhờ nhu cầu trú ẩn an toàn mạnh mẽ và kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Fed.
Tại thị trường trong nước, chốt phiên giao dịch 14/8, giá vàng miếng SJC đang được các ngân hàng Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank và các công ty vàng bạc đá quý bán ra ở mức 80 triệu đồng/lượng. Ở chiều mua, giá vàng các thương hiệu được niêm yết ở mức 78 triệu đồng/lượng.
Trong khi giá bán vàng miếng SJC tại các ngân hàng bật lên 80 triệu đồng một lượng thì trên thị trường tự do lại liên tục giảm. Nếu giá mở cửa thị trường "chợ đen" giao dịch phổ biến ở mức 80,15 - 80,75 triệu đồng/lượng thì đến cuối phiên sáng, giá giao dịch giảm dần xuống 80 - 80,6 triệu đồng/lượng (mua - bán).