Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới tăng mạnh, với vàng giao ngay tăng 31,8 USD, tương đương 1,16% lên 2.773,6 USD/ounce.
Tiếp tục được thúc đẩy bởi lo ngại bất ổn xung quanh cuộc bầu cử ở Mỹ, căng thẳng ở Trung Đông và kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 11, vàng “phi mã” và cán mốc cao nhất mọi thời đại vào thứ Ba. Như vậy, kể từ đầu năm đến nay, vàng đã tăng hơn 34%.
Phó chủ tịch kiêm chiến lược gia kim loại cấp cao Peter Grant của Zaner Metals cho rằng, kim loại màu vàng được hỗ trợ bởi nhu cầu mua trú ẩn an toàn khi căng thẳng địa chính trị và bất ổn chính trị tiếp diễn.
Hiện tại, các nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi báo cáo số liệu việc làm tại Mỹ, số liệu chi tiêu tiêu dùng cá nhân của Mỹ và báo cáo bảng lương để đánh giá tác động các dữ liệu kinh tế đối với động thái của Ngân hàng Trung ương Mỹ.
Giới phân tích nhận định rằng giá vàng vẫn có động lực tăng, nhưng cần điều chỉnh trước khi đạt mức cao hơn.
Theo khảo sát của Kitco News tuần này, tâm lý lạc quan với vàng đã giảm: chỉ hơn 50% chuyên gia kỳ vọng giá tăng, trong khi phần còn lại chia đều cho khả năng giá đi ngang hoặc giảm. Trong hơn 200 nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia, 59% kỳ vọng giá tăng, 22% cho rằng giá sẽ giảm và 19% giữ quan điểm trung lập.
Theo Công cụ FedWatch của CME, thị trường đang dự báo khoảng 95% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 11.
Tại thị trường trong nước, chốt phiên giao dịch ngày 29/10, giá vàng miếng SJC tiếp tục duy trì ổn định và đang được các ngân hàng Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank và các công ty vàng bạc đá quý bán ra ở mức 89 triệu đồng/lượng. Ở chiều mua, giá vàng một số thương hiệu được niêm yết ở mức 87 triệu đồng/lượng.
Trong khi giá vàng nhẫn giảm nhẹ, đang niêm yết quanh mức 7 triệu đồng/lượng mua vào và 88 triệu đồng/lượng bán ra.