Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới “lao dốc” với vàng giao ngay giảm 43,7 USD xuống còn 2.400,8 USD/ounce.
Giá vàng thế giới đã mất gần 2% trong phiên giao dịch cuối của tuần này do chịu áp lực bởi sự phục hồi của đồng USD.
Theo đó, đồng USD tăng 0,1% so với các đồng tiền khác, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm cũng tăng, đã gây áp lực không nhỏ lên vàng thỏi.
Bên cạnh đó, hoạt động chốt lời trên thị trường sau khi kim loại quý này đạt mức mốc cao mọi thời đại nhờ được thúc đẩy bởi kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9 ngày càng tăng cao cũng là yếu tố đẩy giá vàng đi xuống.
Theo nhiều chuyên gia, ngoài hoạt động chốt lời, thị trường còn chịu áp lực bởi đồn đoán rằng, Mỹ có thể đạt được hạ cánh mềm. Điều này có thể sẽ gây áp lực lên giá vàng bởi các nhà đầu tư sẽ chuyển tiền từ khoản đầu tư an toàn sang khoản đầu tư rủi ro hơn.
Các chuyên gia cho rằng, động lực quan trọng đối với vàng vẫn là kỳ vọng lãi suất. Hiện tại, thị trường hiện đang dự đoán 98% khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9.
Tại thị trường trong nước, sau một phiên tăng mạnh, giá bán vàng miếng SJC tại các doanh nghiệp vàng bạc đá quý trong nước ổn định ở mốc 80 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng nhẫn được điều chỉnh giảm sau chuỗi ngày tăng giá.
Trước đó, phiên 18/7, NHNN công bố giá bán vàng miếng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) là 79 triệu đồng/lượng. NHNN khẳng định “sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình thu hẹp và kiểm soát chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới ở mức phù hợp”.
Đây là động thái mới của NHNN sau hơn 1 tháng giữ giá bán vàng ở mức 75,98 triệu đồng/lượng. Giá bán vàng đã được NHNN tăng hơn 3 triệu đồng/lượng. Các ngân hàng quốc doanh (BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank) cũng thông báo tăng giá bán vàng lên 80 triệu đồng/lượng, cao hơn 1 triệu đồng/lượng so với giá của NHNN.