Giá trị của đồng USD song hành với sức mạnh của Mỹ?

Trong tháng Ba, đồng USD dao động gần mức "đáy" của 5 tháng so với các đồng tiền chủ chốt khác, giữa lúc thị trường hoang mang trước những chính sách thương mại khó đoán của Tổng thống Trump.

142301-dong-usd-yeu-ho-tro-vang-tang-gia.jpg
Đồng tiền đô la Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Ở thời điểm cuối năm 2024, sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, đồng USD tăng giá đều đặn, phản ánh kỳ vọng của thị trường rằng đà tăng trưởng tương đối mạnh của nền kinh tế Mỹ, các biện pháp kích thích tài khóa bổ sung và chính sách thuế quan mới sẽ nâng đỡ bước tiến của đồng bạc xanh. Nhưng thực tế lại cho thấy những diễn biến ngược chiều: đồng USD đang trượt dốc.

Trong tháng Ba, đồng USD dao động gần mức "đáy" của 5 tháng so với các đồng tiền chủ chốt khác, giữa lúc thị trường hoang mang trước những chính sách thương mại khó đoán của Tổng thống Trump và loạt dữ liệu kinh tế ảm đạm.

Các nhà phân tích Dominic Wilson và Kamakshya Trivedi của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs nhận định, thị trường đã chứng kiến hai thay đổi lớn. Thứ nhất, chính sách bất ổn của chính quyền Mỹ đã làm giảm sức hấp dẫn của tài sản Mỹ. Thứ hai, các biện pháp kích thích kinh tế của Đức đang giúp các nền kinh tế đầu tàu châu Âu trở nên hấp dẫn hơn. Điều này có thể làm suy yếu niềm tin vào khả năng vượt trội của kinh tế Mỹ và khiến các nhà đầu tư đa dạng hóa danh mục đầu tư của họ ra ngoài thị trường Mỹ.

Trong bài viết mới đây đăng trên trang Project Syndicate, chuyên gia kinh tế Jim O'Neill, cựu Bộ trưởng Tài chính Anh cho rằng đồng USD có thể tiếp tục suy yếu. Theo ông O'Neill, không chỉ yếu tố chu kỳ, các vấn đề liên quan đến cấu trúc và hệ thống đều có thể khiến đồng USD giảm giá mạnh hơn nữa. Nhận định này được đưa ra giữa bối cảnh nền kinh tế Mỹ đã phát đi những tín hiệu báo động đỏ và nhiều quốc gia đang khẩn trương tìm cách giảm sự phụ thuộc kinh tế vào nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Quảng cáo

Theo ông O'Neill, ngay từ đầu, ông đã nghi ngờ các dự báo cho rằng chính sách thuế quan sẽ hỗ trợ USD và không có khả năng gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế Mỹ, bất chấp tác động tiêu cực lên người tiêu dùng.

Hiện nay, chính quyền của Tổng thống Trump đang tập trung hỗ trợ hoạt động sản xuất trong nước và có một cách hiểu riêng về năng lực cạnh tranh. Ông O'Neill nhấn mạnh rằng cách tiếp cận này của Nhà Trắng không cung cấp nhiều cơ sở để có thể kỳ vọng vào đà tăng liên tục của đồng USD.

Bên cạnh đó, ông O'Neill cũng đặt dấu hỏi về quan điểm cho rằng khó có thể ngăn cản đà tăng của đồng USD khi kinh tế Mỹ có nhiều lợi thế vượt trội như: thị trường tài chính vững mạnh, công nghệ tiên tiến, an ninh vượt trội và tăng trưởng kinh tế cao. Ông O'Neill nhấn mạnh nhiều yếu tố về chu kỳ, cấu trúc và hệ thống khác có thể khiến đồng USD tiếp tục suy yếu.

Về mặt chu kỳ, nhiều dữ liệu cho thấy kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Atlanta dự báo nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng âm trong quý I/2025. Và đây không phải là dấu hiệu duy nhất gây quan ngại. Các cuộc khảo sát mới nhất về niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng cho thấy dấu hiệu tiêu cực. Hơn nữa, ngay cả những người bên ngoài ngành tài chính cũng cảm thấy bất an hơn về lạm phát tại Mỹ trong tương lai.

Nhiều nhà quan sát đang đề cập đến khả năng xảy ra hiện tượng đình lạm ở Mỹ. Bên cạnh đó, phản ứng với những động thái khó lường của ông chủ Nhà Trắng, nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước châu Âu và Trung Quốc, đang chủ động giảm sự phụ thuộc vào kinh tế Mỹ.

Những diễn biến trên đều có thể giải thích cho sự suy giảm của đồng USD. Tuy nhiên, còn một vấn đề cơ bản hơn: nếu Tổng thống Trump kiên trì theo đuổi chính sách tăng thuế quan, dẫn đến lạm phát và ảnh hưởng đến nền kinh tế, giá trị cân bằng dài hạn của USD sẽ thấp hơn. Và nếu Tổng thống Trump duy trì cách tiếp cận hiện tại, sự điều chỉnh về giá của đồng USD có thể sẽ rất mạnh.

Xét đến vai trò của đồng USD trong hệ thống kinh tế và chính trị toàn cầu, một số ý kiến cho rằng giá trị của đồng tiền này song hành với sức mạnh của Mỹ với tư cách là cường quốc bảo đảm an ninh và nắm giữ vị trí chủ đạo trong các thể chế đa phương sau Thế chiến II. Tuy nhiên, nếu Mỹ từ bỏ những vai trò này, các quốc gia khác sẽ buộc phải tự đứng lên, và vị thế thống trị của đồng USD có thể chấm dứt.

Vị thế bá chủ toàn cầu của đồng USD trong nhiều năm đã mang lại lợi thế tài chính to lớn và bền vững cho cả chính phủ và các doanh nghiệp Mỹ. Ngày nay, khi Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong GDP và thương mại toàn cầu, rất khó để tin rằng những nỗ lực phát triển các hệ thống thanh toán độc lập với đồng USD sẽ không tăng tốc nếu ông Trump tiếp tục "vũ khí hóa" đồng bạc xanh.

Theo bnews.vn Sao chép

Cùng chuyên mục Vàng - Tiền

Trung Quốc hạ tỷ giá tham chiếu ngày thứ 6 liên tiếp, đồng Nhân dân tệ giảm xuống mức thấp nhất gần 2 thập kỷ

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) tiếp tục hạ tỷ giá tham chiếu của đồng Nhân dân tệ so với USD. Động thái này được đưa ra sau khi Washington tuyên bố áp thuế 125% với hàng hoá của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Đồng NDT tăng lên mức cao nhất trong gần 16 tháng Đồng NDT và các đồng tiền châu Á khác đối mặt nhiều áp lực trong năm 2025

Giá vàng thế giới rơi tự do

Giá vàng mất mốc 3.000 USD/ounce do chịu áp lực bởi sự phục hồi của đồng USD và khi giới đầu tư chuyển sang các kênh trú ẩn an toàn khác trong bối cảnh lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng gia tăng.

Tương lai giá vàng sẽ ra sao sau khi gánh lỗ của cổ phiếu? Cục Thống kê (Bộ Tài chính): Giá vàng trong nước và thế giới đều tăng cao

Giá vàng mất ngưỡng 3.000 USD/ounce do tình trạng bán tháo chốt lời

Giá vàng giao ngay giảm 1,9% xuống 2.981,09 USD/ounce vào lúc 8 giờ 31 phút (giờ Việt Nam), mức thấp nhất kể từ ngày 13/3. Trước đó, vàng đã đạt mức cao kỷ lục 3.167,57 USD/ounce vào ngày 3/4.

Ồ ạt bán ra, giá vàng thế giới rơi thẳng đứng Tương lai giá vàng sẽ ra sao sau khi gánh lỗ của cổ phiếu?