Theo trang The Guardian (Anh), nhiều nhà phân tích cảnh báo giá khí đốt ở châu Âu - vốn đã tăng gần 400% trong năm qua do Nga cắt giảm nguồn cung - sẽ tăng hơn nữa trong tuần này, sau khi Moskva tuyên bố tiếp tục đóng đường ống khí đốt qua Dòng chảy Phương Bắc 1 (Nord Stream 1) tới Đức sau thời gian bảo trì.
Ông Nathan Piper, nhà phân tích dầu khí tại ngân hàng Investec của Anh, bình luận: “Chúng tôi dự đoán giá khí đốt sẽ đạt kỷ lục trên khắp châu Âu vào tuần này, do tác động của các hạn chế dài hạn đối với nguồn cung khí đốt từ Nga sau khi đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1 đóng cửa vô thời hạn”. Ông cho rằng giá khí đốt vẫn biến động và sẽ tăng mạnh vào đầu tuần, khoảng 700-800% lên mức cao kỷ lục.
Chuyên gia Tom Marzec-Manser, trưởng bộ phận phân tích khí đốt tại công ty tư vấn ICIS, cũng dự đoán giá khí đốt của châu Âu và toàn cầu dự kiến tăng mạnh vào ngày 5/9 khi các thị trường điều chỉnh giá theo diễn biến mới nhất.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã cáo buộc Nga “vũ khí hóa” năng lượng trong xung đột với Ukraine. Tuy nhiên, Moskva cho rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây và các vấn đề kỹ thuật là nguyên nhân gây gián đoạn nguồn cung.
Giá khí đốt của Anh đã giảm mạnh vào hôm 2/9, trước khi Gazprom thông báo ngừng hoạt động không thời hạn đối với Nord Stream 1. Ảnh: Refinitiv
Đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1, chạy dưới biển Baltic tới Đức, cung cấp khoảng 1/3 lượng khí đốt xuất khẩu từ Nga sang châu Âu. Tuy nhiên, trước khi tạm dừng hoạt động để bảo trì, đường ống này cũng chỉ hoạt động ở mức 20% công suất thiết kế.
Châu Âu từng kỳ vọng Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga sẽ mở lại đường ống ở mức 20% công suất sau khi quá trình bảo dưỡng kết thúc. Hy vọng này đã khiến cho giá khí đốt tại trung tâm giao dịch Title Transfer Facility (TTF) ở Hà Lan vào ngày 2/9 giảm gần 40% so với mức đỉnh lịch sử trong phiên 26/8, còn khoảng hơn 200 euro/MWh. Tuy nhiên vào hôm 3/9, Nga thông báo sẽ không mở lại Dòng chảy Phương Bắc 1 do vấn đề kỹ thuật mới phát sinh trong quá trình bảo dưỡng.
Chi phí điện kỷ lục do giá khí đốt tăng cao đã buộc một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng - bao gồm cả các nhà sản xuất phân bón và nhôm - phải thu hẹp quy mô sản xuất và khiến các chính phủ EU phải “bơm” hàng tỷ USD vào các chương trình hỗ trợ các hộ gia đình.
Ông Jacob Mandel, cộng sự cấp cao về hàng hóa tại Aurora Energy Research, nhận định mức độ ảnh hưởng của việc cắt giảm nguồn cung sẽ phụ thuộc vào khả năng của châu Âu trong việc tìm kiếm khí đốt từ các nguồn khác. Ông nói: “Nguồn cung rất khó kiếm và việc thay thế các nguồn khí đốt không đến từ Nga ngày càng trở nên khó khăn hơn”.
Make UK, cơ quan thương mại hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất của Anh cho biết khủng hoảng năng lượng hiện nay đang khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với lựa chọn khó khăn, đó là cắt giảm sản lượng hoặc đóng cửa hoàn toàn nếu không nhận được hỗ trợ sớm. Khoảng 13% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ đang cắt giảm giờ hoạt động hoặc tránh sản xuất trong thời kỳ giá năng lượng tăng cao, 7% đang ngừng sản xuất trong thời gian dài hơn. Trong khi đó, 12% doanh nghiệp đã cắt giảm việc làm.