Giá dầu tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Tư khi mà tâm lý thận trọng xung quanh việc nguồn cung hạn chế tăng lên. Nhìn chung nhà đầu tư bớt lo lắng về những dự báo nhu cầu diễn biến bất ổn và thông tin cho thấy Mỹ sẽ xả thêm dầu từ dự trữ chiến lược.
Đóng cửa phiên giao dịch, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai tháng 12/2022 tăng 2,38USD/thùng tương đương 2,6% lên 92,41USD/thùng trên thị trường London.
Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao hợp đồng tương lai tháng 11/2022 chốt phiên tăng 2,73USD/thùng tương đương 3,3% lên 85,55USD/thùng.
Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường tại quỹ Tradition Energy, ông Gary Cunningham, nhận xét: “Nhìn chung, việc xả dầu từ dự trữ chiến lược trong ngắn hạn là bi quan nhưng trong dài hạn lạc quan bởi cuối cùng Mỹ cũng sẽ phải tự mua lại chỗ dầu đó. Tính chung, thị trường sẽ vẫn giao động mạnh xung quanh những thông tin gây bất ngờ”.
Trong phiên liền trước, giá dầu chạm mức thấp nhất trong 2 tuần sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố ông có kế hoạch xả khoảng 15 triệu thùng dầu từ kho Dự trữ Chiến lược Quốc gia (SPR).
Vào ngày thứ Tư, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói đến kế hoạch của Mỹ trong việc mua dầu bù đắp vào kho dự trữ nếu giá giảm đủ sâu. Việc xả kho dầu lần này sẽ là đợt bán cuối cùng từ đợt bán 180 triệu thùng dầu được thông báo sau khi căng thẳng Nga – Ukraine leo thang vào tháng 2/2022.
Giá các loại dầu đã tăng không ngừng tính từ khi nhóm nước thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đồng ý giảm sản lượng mục tiêu ước tính khoảng 2 triệu thùng dầu/ngày, dù rằng trong đó chỉ bao gồm khoảng 1 triệu thùng dầu sản lượng suy giảm thực tế.
“Họ muốn giá dầu Brent ở trong ngưỡng khoảng 90USD/thùng, chính vì vậy họ sẽ làm mọi cách để có được điều đó và chắc chắn sẽ vẫn cắt giảm sản lượng để giữ được giá dầu ở ngưỡng này”, ông Cunningham nói.
Dự trữ dầu thô tại Mỹ bất ngờ giảm trong tuần trước, mức hạ ghi nhận 1,7 triệu thùng dầu, theo số liệu tuần mới được công bố. Trong khi đó trên thực tế, dự trữ dầu thô giảm ước tính 1,4 triệu thùng dầu/ngày. Dự trữ của SPR giảm 3,6 triệu thùng xuống chỉ còn hơn 405 triệu thùng dầu/ngày – ngưỡng thấp nhất tính từ tháng 5/1984.
Khả năng Liên minh châu Âu (EU) cấm các sản phẩm dầu của Nga và việc nhóm các nước thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày cũng hỗ trợ cho giá dầu.
Quy định trừng phạt của EU với dầu thô của Nga có hiệu lực vào tháng 12/2022, còn các biện pháp trừng phạt với các sản phẩm dầu sẽ có hiệu lực từ tháng 2/2023.
Bloomberg đã đưa tin về những lo lắng của một số quan chức Nhà Trắng vào tuần trước, nói rằng sau quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+, biến động trên thị trường dầu đã tăng lên rõ rệt và áp trần giá dầu thô Nga có thể dẫn đến tăng giá chứ không phải giảm giá.
Một nỗi sợ khác là Nga đang đưa ra lời cảnh báo rằng họ có thể chọn ngừng bán dầu cho bất kỳ quốc gia nào đã áp dụng áp giá trần dầu của mình. Điều này chắc chắn sẽ làm cho giá dầu cao hơn. Ngân hàng UBS ước tính gần đây rằng giá dầu Brent có thể tăng lên 125 USD/thùng.
Giám đốc bộ phận hàng hóa của UBS Global Wealth Management, ông Dominic Schnider nói với CNBC: “Người Nga rất rõ ràng: Nếu các ông buộc chúng tôi chấp nhận mức trần giá, chúng tôi đơn giản là sẽ không bán dầu thô cho các ông”.
Theo ông Schnider, mức trần giá có thể khiến nguồn cung toàn cầu giảm thêm 1 triệu thùng/ngày, đẩy dầu thô lên trên 100 USD/thùng.