Thống kê từ 70 công ty chứng khoán (đại diện 99,2% quy mô vốn chủ sở hữu của toàn ngành), Fiintrade cho biết dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ (margin) đạt gần 243 nghìn tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2024, tăng nhẹ so với cuối quý III (+14,4 nghìn tỷ đồng tương đương tốc độ 6,3%).
Fiintrade đưa ra một vài điểm đáng lưu ý về diễn biến cho vay margin và tài sản của nhà đầu tư trong quý IV/2024.
Đầu tiên, sự mở rộng về quy mô dư nợ cho vay tập trung tại 10 CTCK, nhưng phần lớn không thuộc phân khúc bán lẻ (nhóm không có nhiều khách hàng là NĐT cá nhân). Cụ thể, SSI dẫn đầu về mức tăng tuyệt đối dư nợ margin (+2,8 nghìn tỷ đồng so với quý trước), tiếp đến là Chứng khoán VPBank (VPBankS), VIX, HCM, VCI, ACBS, Chứng khoán Mirae Asset, trong đó SSI và VPBankS cùng có tăng trưởng về dư nợ margin nhưng sụt giảm về số dư tiền gửi của NĐT.
Xét theo tốc độ tăng trưởng dư nợ margin, Chứng khoán HD dẫn đầu với mức tăng vượt trội +82,7% so với quý trước, đưa quy mô margin lên mức 1.241 tỷ đồng trong quý IV. Ở chiều ngược lại, dư nợ margin giảm mạnh ở Chứng khoán KB Việt Nam (-609 tỷ đồng/-9,8%) và VDS (-535 tỷ đồng/-17,2%).
Trong khi đó, dù dư nợ margin tăng, nhưng thanh khoản giảm về mức thấp nhất trong 7 quý (GTGD bình quân phiên chỉ đạt gần 13,2 nghìn tỷ đồng) và VN-Index đi ngang với biên độ hẹp trong phần lớn thời gian của quý IV/2024. Tỷ lệ đòn bẩy (tỷ lệ giữa margin/tổng giá trị vốn hóa điều chỉnh theo free-float) chạm mức 10,2% - mức cao nhất từ trước đến nay.
Quy mô tài sản của NĐT giảm mạnh trong quý IV/2024 (-61 nghìn tỷ đồng/-3,8%). Cụ thể, tổng tài sản tài chính (bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ…. được quản lý bởi các CTCK) giảm -43,7 nghìn tỷ đồng (-2,9%). Với số dư tiền gửi, dữ liệu cho thấy lượng tiền gửi của NĐT tại các CTCK giảm quý thứ 3 liên tiếp, giảm -17,8 nghìn tỷ đồng về hơn 73,5 nghìn tỷ đồng – mức thấp nhất trong 6 quý gần đây.
Diễn biến dư nợ margin cùng với quy mô tài sản của nhà đầu tư trong quý IV/2024 cho thấy dòng tiền đang có xu hướng chuyển dịch sang các loại tài sản khác, phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trong nước đối với thị trường chứng khoán. Trong bối cảnh khối ngoại tiếp tục bán ròng, triển vọng ngắn hạn của thị trường không mấy tích cực.