Dòng tiền vào thị trường mới nổi chững lại

Tính chung từ đầu năm đến nay, các quỹ cổ phiếu đã thu hút được 41 tỷ USD, đảo ngược từ việc rút ròng 14 tỷ USD trong 6 tháng cuối năm 2022.

Tâm lý đầu tư tiếp tục có sự cải thiện trong tháng 6. Dòng tiền bắt đầu giải ngân nhiều hơn vào các tài sản rủi ro, theo nội dung báo cáo mới đây của SSI Research.

Dòng tiền vào các quỹ cổ phiếu toàn cầu đạt 26,5 tỷ USD trong tháng 6, tăng 5 lần so với tháng 5. Tính chung từ đầu năm đến nay, các quỹ cổ phiếu đã thu hút được 41 tỷ USD, đảo ngược từ việc rút ròng 14 tỷ USD trong 6 tháng cuối năm 2022.

Quỹ trái phiếu thu hút dòng tiền mạnh đến tháng thứ 6 liên tiếp, nhà đầu tư “đổ vào” 26 tỷ USD và tăng 15,7% so với tháng 5. Tính chung từ đầu năm đến nay, các Quỹ trái phiếu đã thu hút được 179 tỷ USD.

Quỹ tiền tệ đảo chiều rút 14,6 tỷ USD, sau khi ghi nhận dòng tiền ròng lên tới 766 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, đây là yếu tố được xem là tích cực khi dòng tiền bắt đầu giải ngân sang các tài sản tài chính rủi ro khác.

Khảo sát mới nhất từ BofA cho thấy các nhà quản lý quỹ vẫn có sự thận trọng. Mặc dù tỷ trọng tiền mặt đã giảm (từ 5,6% trong tháng 5 xuống còn 5,1% tháng 6), đây vẫn còn là mức cao và việc phân bổ vẫn đang nghiêng nhiều về tính an toàn (trái phiếu hay cổ phiếu giá trị).

Các rủi ro lớn đối với thị trường bao gồm (1) Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ và (2) rủi ro suy thoái.

Quảng cáo

Diễn biến tích cực của nhóm công nghệ giúp dòng tiền vào cổ phiếu tại các thị trường phát triển đảo chiều vào ròng, trong khi kỳ vọng kém tích cực của Trung Quốc khiến dòng tiền vào thị trường mới nổi chậm lại trong tháng 6.

Dòng vốn vào quỹ cổ phiếu thị trường phát triển (DM) vào ròng 19,1 tỷ USD trong tháng 6 – đảo chiều sau 4 tháng rút ròng liên tục. Cụ thể, nhờ quán tính từ nhóm công nghệ, dòng vốn giải ngân vào thị trường Mỹ lên đến 17,4 tỷ USD – gấp 87 lần so với tháng trước trong đó, các quỹ ETF vào ròng tới 33 tỷ USD.

Mặc dù thị trường Mỹ kỳ vọng có sự biến động mạnh trong nửa cuối năm nay, việc tận dụng các nhịp điều chỉnh để tích lũy cổ phiếu vẫn đang được khuyến nghị để đa dạng hóa danh mục. Kỳ vọng về trạng thái phục hồi của nền kinh tế và đồng USD duy trì sức mạnh cũng là yếu tố cải thiện tâm lý đầu tư vào thị trường này.

Dòng vốn vào cổ phiếu thị trường mới nổi (EM) chậm lại khi chỉ vào ròng 7,4 tỷ USD trong tháng 6. Mặc dù dòng vốn vào EM duy trì tháng vào ròng thứ 11 liên tiếp, tốc độ giải ngân đã chậm lại do triển vọng kém tích cực của nền kinh tế Trung Quốc cũng như sự phân kỳ trong chính sách tiền tệ khiến đồng CNY yếu đi rõ rệt.

Khảo sát từ BofA cho thấy kỳ vọng về tăng trưởng của Trung Quốc đã giảm trở lại, và do vậy dòng tiền chỉ vào ròng 5,5 tỷ USD trong tháng 6 (giảm một nửa so với tháng 5).

Trái ngược, dòng tiền vào các thị trường mới nổi Châu Á khác vẫn khá tích cực nhờ việc muốn phân bổ danh mục đầu tư từ các quỹ như Ấn Độ (1,4 tỷ USD), Việt Nam (17,8 triệu USD) hay Indonesia (5,1 triệu USD).

Nhìn chung, thị trường cổ phiếu toàn cầu vẫn đang ở trạng thái chuyển giao và chưa chính thức bước sang giai đoạn tăng trưởng, do vậy việc phân bổ dòng tiền sẽ có sự phân hóa đáng kể giữa các quỹ dựa trên mức độ chấp nhận rủi ro.

Nhiều chuyên gia rằng dòng tiền vào các quỹ cổ phiếu toàn cầu sẽ tiếp tục được giải ngân với tốc độ chậm trong tháng 7 nhờ quán tính tích cực cũng như dòng tiền chờ trên thị trường tiền tệ đang khá lớn. Thị trường cũng đã phản ánh phần nào việc Fed sẽ tăng 1-2 lần lãi suất trong quý 3 và do vậy yếu tố này khó có thể khiến dòng tiền vào cổ phiếu gặp biến động mạnh.

Theo Thời Đại Sao chép