*Bài viết thể hiện quan điểm của Lionel Laurent. Ông là tay viết chuyên mục Quan điểm của Bloomberg về các chủ đề tiền số, Liên minh châu Âu và Pháp. Trước đây, ông từng là phóng viên của Reuters và Forbes.
Phong cách sống của người châu Âu vẫn luôn là một khái niệm được cho là mơ hồ. Nhưng sau COVID-19, một thế hệ doanh nghiệp mới vẫn tìm kiếm “la dolce vita” (cuộc sống ngọt ngào) ở nơi này.
Citigroup là một trong số đó, nhưng lại đang đối mặt với một thực tế không mấy tích cực. Tại văn phòng mới của ngân hàng này ở Malaga (Tây Ban Nha), các nhân viên cấp dưới chỉ nhận được mức lương bằng 1 nửa so với nhân viên ở London - là 100.000 USD, để có cơ hội được sinh sống ở lục địa già. Với giờ làm việc truyền thống, địa điểm lý tưởng là ở Địa Trung Hải, chi phí sinh hoạt thấp và tuổi thọ cao hơn là loại quyền lực mềm mà châu Âu muốn đạt được.
Song, mọi thứ cũng chỉ là giấc mơ. Thực tế mà châu Âu đang phải đối mặt khi mâu thuẫn Nga - Ukraine trở nên căng thẳng hơn lại đang rất khác. Cú sốc đối với mức sống ở các quốc gia như Tây Ban Nha, Ý, Pháp và đặc biệt là Đức đang nghiêm trọng hơn, kéo dài hơn, khi tiền lương giảm nhanh so với Mỹ.
Người dân châu Âu cũng phải đối diện với tình trạng nguồn năng lượng sụt giảm, sản lượng kinh tế đi xuống, thu nhập khả dụng thấp hơn, lạm phát và chi phí nhập khẩu tăng cao. Theo đó, bất ổn xã hội là một mối rủi ro hiện hữu.
Khi châu Âu nỗ lực loại bỏ sự phụ thuộc vào khí đốt giá rẻ của Nga, thì mối hy vọng về “nỗi đau” kinh tế sớm qua đi đang lịm dần. Dù đã đưa ra những bước đi mạnh mẽ để ứng phó với động thái “khoá van” khí đốt của Nga bằng cách tích trữ cho mùa đông, thì hầu hết lượng khí đốt đó có thể sẽ cạn kiệt vào tháng 3. Giá năng lượng cao và nguồn cung khan hiếm sẽ còn kéo dài. Các nhà kinh tế tại Deutsche Bank và Barclays đã dự báo kinh tế eurozone sẽ giảm 2,2% và 1,1% trong năm tới.
Ngoài ra, việc ngăn chặn tình trạng bất bình đẳng của châu Âu cũng gặp thách thức lớn. Năng lượng và thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong chi tiêu của người tiêu dùng, đặc biệt là sự chênh lệch lớn giữa nhóm 20% người nghèo nhất và 20% giàu nhất.
Theo hãng nghiên cứu Bruegel, chính phủ các nước châu Âu đã chi khoảng 500 tỷ euro (496 tỷ USD) để giảm bớt tác động của giá cả leo thang với người tiêu dùng và doanh nghiệp, nhưng họ có thể phải hỗ trợ nhiều hơn nữa. Anh - vốn vẫn chịu áp lực từ Brexit và chịu ảnh hưởng về thương mại khi mâu thuẫn Nga - Ukraine xảy ra, cũng phải chi mạnh tay để giúp đỡ người dân.
Bởi vậy, một số doanh nghiệp châu Âu lại muốn có môi trường kinh doanh như ở Mỹ. Theo Wall Street Journal, giá khí đốt ở Mỹ ổn định và chính phủ cũng hỗ trợ các doanh nghiệp như Volkswagen chuyển cơ sở sản xuất về trong nước và Tesla cũng tạm dừng kế hoạch đầu tư ở Đức.
Một cuộc khảo sát của hiệp hội ngành cho thấy, chi phí năng lượng tăng vọt đã khiến 1/10 công ty Đức phải giảm sản lượng hoặc gặp gián đoạn trong sản xuất. Điều này sẽ tạo hiệu ứng lan toả thông qua chuỗi cung ứng với các đối tác thương mại cả trong và ngoài châu Âu.
Trên thực tế, Mỹ đã chứng kiến lạm phát gia tăng. Song, nước này có lợi thế xuất khẩu năng lượng ròng, với 2/3 lượng LNG xuất khẩu trong tháng 6 là sang châu Âu. Đồng euro và bảng Anh sụt giảm cũng khiến giá cả tại châu Âu tiếp tục leo thang, có thể thấy từ giá năng lượng cao hơn cho đến Apple tăng giá sản phẩm.
Tuy nhiên, EU đã từng trải qua những cuộc suy thoái. Người dân khu vực này vẫn có hy vọng khi các chính phủ sẽ đưa ra cách tốt nhất để bảo vệ họ thông qua hợp tác, bằng cách chia sẻ năng lượng và nguồn tài chính như trong thời kỳ Covid.
Dẫu vậy, vượt qua những khó khăn hiện tại không phải điều dễ dàng. Các chính phủ trên khắp thế giới vẫn đang phải gánh nợ do ảnh hưởng của đại dịch, khi chính sách tiền tệ được nới lỏng đang bị thắt chặt nhanh chóng.
Ngay cả những quốc gia không gặp khó khăn về năng lượng như Đức - chẳng hạn như Pháp có thể khai thác năng lượng hạt nhân và Tây Ban Nha có năng lượng tái tạo, cũng đang đối mặt với những vấn đề của riêng mình, là thiếu đầu tư và nợ quá nhiều.