Sau khi được VPBank hoàn tất tăng vốn điều lệ lên 15.000 tỷ đồng trong năm 2022, VPBankS hiện là công ty chứng khoán (CTCK) có vốn điều lệ lớn thứ 2 trên thị trường chứng khoán Việt Nam, xếp trên nhiều tên tuổi như VNDIRECT, SHS, VPS.
Công ty vẫn đang cho thấy hướng đi được ưu tiên là cho vay margin và ứng trước. Dư nợ của ứng trước và cho vay của VPBankS đang được mở rộng dần trong thời gian gần đây. Với việc thị trường chứng khoán khởi sắc rõ rệt hơn trong quý II/2023, dư nợ đã đạt hơn 4.500 tỷ đồng, tăng gần 40% so với quý đầu năm.
Lãi từ cho vay và các khoản phải thu trên báo cáo tài chính (BCTC) quý II/2023 của VPBankS đã hồi phục lên trên 100 tỷ đồng, đạt 114,78 tỷ đồng.
Trong khi đó, doanh thu môi giới của VPBankS đạt 20,5 tỷ đồng, tăng gần gấp 2 lần so với quý I/2023. Dù vậy, so với chi phí môi giới, doanh thu môi giới vẫn thấp hơn cho thấy, hoạt động này đang lỗ 8 tỷ đồng. Trong các quý trước, VPBankS cũng không có lãi từ hoạt động môi giới.
Hiện nguồn thu hoạt động chính của VPBankS vẫn dựa vào đầu tư tài chính với lãi từ các tài sản tài chính thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt 327,58, chiếm 69% doanh thu hoạt động.
Kết quả quý II/2023, VPBankS đạt lợi nhuận sau thuế là 314 tỷ đồng, tăng 21% so với quý I/2023. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế là 572,86 tỷ đồng, gấp 7,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái.