Thị trường chứng khoán toàn cầu diễn biến trái chiều trong phiên 8/10, với chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) trải qua ngày giao dịch tồi tệ nhất trong 16 năm, trong bối cảnh Trung Quốc chưa công bố thêm các biện pháp kích thích kinh tế mới.
Trong khi đó, các chỉ số chứng khoán chính của Phố Wall phần lớn tăng điểm nhờ sự lạc quan về “sức khỏe” của nền kinh tế Mỹ. Trái lại, chứng khoán châu Âu đóng cửa giảm điểm, chịu ảnh hưởng từ sự sụt giảm trên thị trường chứng khoán châu Á và hy vọng về nhu cầu từ Trung Quốc bị dập tắt.
Bà Kathleen Brooks, Giám đốc nghiên cứu tại XTB, nhận định các thị trường tài chính hầu hết đang trong tâm lý e ngại rủi ro trong phiên ngày 8/10, trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc không công bố thêm các gói kích thích kinh tế và giá hàng hóa giảm.
Tại New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,3% lên 42.080,37 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 1% lên 5.751,13 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 1,5% lên 18.182,92 điểm.
Ở châu Âu, chỉ số FTSE 100 của London giảm 1,4% xuống 8.190,61 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 0,7% xuống 7.521,32 điểm, còn chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt giảm 0,2% xuống 19.066,47 điểm.
Thị trường chứng khoán toàn cầu được nâng đỡ trong những phiên gần đây khi Trung Quốc công bố các biện pháp kích thích, làm dấy lên hy vọng về nhu cầu lớn hơn từ Trung Quốc đối với dầu mỏ, kim loại, hàng hóa xa xỉ và nhiều mặt hàng khác. Tuy nhiên, giá cổ phiếu trong cả ba lĩnh vực này đều giảm mạnh trong phiên 8/10, kéo các chỉ số chính của châu Âu vào vùng đỏ.
Các công ty trong lĩnh vực hàng xa xỉ và rượu mạnh của châu Âu còn chịu thêm cú sốc khi Trung Quốc công bố mức thuế đối với rượu mạnh nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU). Đây được xem như một động thái đáp trả thuế quan của EU đối với ô tô điện Trung Quốc. Cổ phiếu của Remy Cointreau - đang sở hữu các thương hiệu Louis XIII, Remy Martin và Cointreau - đã giảm giá hơn 6%. Giá cổ phiếu của Pernod Ricard (nắm giữ thương hiệu rượu cognac Martell), giảm gần 4%.
Thị trường chứng khoán London bị kéo xuống bởi nhóm cổ phiếu năng lượng và khai khoáng.
Trong khi đó, các chỉ số chính của Phố Wall ghi nhận mức tăng điểm, với sự tăng giá của cổ phiếu công nghệ giúp cải thiện tâm lý thị trường. Báo cáo việc làm khả quan hơn dự kiến của Mỹ, công bố ngày 4/10, cho thấy nền kinh tế Mỹ đang trong trạng thái khỏe mạnh. Thị trường đã giảm bớt kỳ vọng về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ngân hàng trung ương nước này, giảm lãi suất sâu trong những tháng tới.
Dữ liệu giá tiêu dùng và giá sản xuất của Mỹ vào cuối tuần này sẽ cung cấp thêm manh mối về triển vọng lãi suất, trong khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III của khối doanh nghiệp bắt đầu vào ngày 11/10.
Tại Việt Nam, đóng cửa phiên giao dịch ngày 8/10, chỉ số VN-Index tăng 2,05 điểm (0,165%), lên 1.271,98 điểm, còn chỉ số HNX-Index giảm 0,94 điểm (0,4%), xuống 231,52 điểm.