Theo thống kê Hải quan Việt Nam, tính đến hết 15/7/2023, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 942 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Nửa đầu tháng 7, xuất khẩu cá tra đạt 70 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ. Ước tính xuất khẩu cá tra 7 tháng đầu năm nay đạt khoảng 1 tỷ USD.
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cá tra có thể đạt 1,77 tỷ USD
Xuất khẩu cá tra trong các tháng đầu năm nay gặp nhiều khó khăn do những biến động của thế giới, tác động lạm phát giá thực phẩm cũng như chiến tranh Nga-Ukraine. Tuy nhiên, trong nửa cuối năm 2023, tỷ lệ sụt giảm sẽ thu hẹp dần so với cùng kỳ. Thêm vào đó, nhu cầu tích cực hơn khi bước vào mùa đặt hàng cho tiêu thụ cuối năm và các dịp lễ hội lớn cũng sẽ giúp xuất khẩu cá tra có nhiều đơn đặt hàng hơn.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Chuyên viên thị trường Cá tra, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, kim ngạch xuất khẩu cá tra kỳ vọng vào sự phục hồi từ 2 thị trường lớn Trung Quốc và Mỹ. Nửa đầu tháng 7/2023, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc đạt hơn 20 triệu USD, ước 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc có thể đạt đạt 337 triệu USD, giảm 58% so với cùng kỳ năm 2022.
Kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đã có tín hiệu tích cực hơn khi khoảng cách sụt giảm đã dần thu hẹp. Nếu tháng 4/2023 giảm 66%, tháng 5/2023 giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022, thì tháng 6 mức giảm này thu hẹp còn 15%. Từ năm 2020 đến nay, Trung Quốc luôn duy trì vị trí số 1 về tiêu thụ cá tra Việt Nam. So với các thị trường chính, Trung Quốc duy trì tăng trưởng cao nhất.
Sau Trung Quốc, Mỹ vẫn duy trì vị trí số 2 về nhập khẩu cá tra Việt Nam, tính đến hết 15/7/2023, nước này đã nhập khẩu gần 150 triệu USD cá tra, giảm 60% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 16% tỷ trọng. Xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ trong 7 tháng đầu năm nay có thể đạt 162 triệu USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022.
“Hiện hai thị trường Trung Quốc và Mỹ đang có những tín hiệu tích cực hơn. Nếu theo kịch bản lạc quan, thị trường tiến triển thuận lợi, người nuôi có nguồn vốn tốt, các nhà sản xuất tiếp tục trụ vững thì xuất khẩu cá tra cả năm nay có thể đạt 1,77 tỷ USD, giảm 27,45% so với năm 2022”, bà Hằng nói.
Xuất khẩu cá tra đang hướng tới khu vực Trung Đông
Ông Võ Đông Đức, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ cho biết, khi nguồn hàng dồi dào sẽ đưa đến tình trạng dư thừa, đó cũng là lúc phải lo về vấn đề tiêu thụ, lo về vấn đề giá cả và nhiều vấn đề liên quan khác. Bây giờ các doanh nghiệp phải hướng tới và đi sâu vào làm hàng giá trị gia tăng, đó mới là tương lai của ngành công nghiệp chế biến cá tra của Việt Nam.
Hiện ngành hàng cá tra đang nỗ lực để có thể đạt mục tiêu xuất khẩu 2 tỷ USD trong năm nay, và một trong những giải pháp để đạt được mục tiêu này là nâng cao chất lượng giá trị trong chuỗi sản xuất và chế biến cá tra.
“Xuất khẩu sụt giảm mạnh nên người nuôi gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ và giá cả, rất mong nhà nước và các doanh nghiệp tìm cách đẩy mạnh tiêu thụ, hoặc khi nông dân nuôi cá sạch phải có giá thu mua tương ứng để người nuôi có hiệu quả”, ông Nguyễn Trạng Sư, nông dân nuôi cá tra sạch ở xã Bình Thạnh, Thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp nói.
Cả nước hiện có 224 cơ sở chế biến cá tra đủ điều kiện xuất khẩu, 7 tháng đầu năm nay có 7 lô hàng cá tra xuất khẩu bị cảnh báo, giảm 89% so với cùng kỳ, khi doanh nghiệp chú trọng nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm trong chuỗi cung ứng xuất khẩu cá tra, sẽ góp phần khai thông thị trường, ổn định hiệu quả ngành hàng thế mạnh của Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo bà Hằng, khu vực Trung Đông như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) hay Ả Rập Xê Út được xác định là thị trường tiềm năng năm 2023 khi có giao thông đường biển, đường thủy và đường hàng không rất thuận tiện. Nhìn chung nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của các nước này không bị ảnh hưởng nặng nề như các thị trường khác.
Còn theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng chế biến và Phát triển thị trường, kết quả tốt từ đợt thanh tra của Cơ quan Thanh tra và An toàn thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS), sẽ làm lan tỏa đến các thị trường khác về hình ảnh con cá tra của vùng Đồng bằng sông Cửu Long có chất lượng vượt trội bảo đảm an toàn thực phẩm là cơ sở để tiếp tục duy trì và gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Với nỗ lực của doanh nghiệp và người dân trong thực hiện tốt các khâu đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ là điều kiện tốt để ngành hàng cá tra xây dựng lại chuỗi cung ứng bị đứt gãy mở rộng thị trường tiềm năng.
“Hiện xuất khẩu thủy sản sang một số thị trường mới ở khu vực Trung Đông như UAE, Israel có sự tăng trưởng là những tín hiệu tích cực do đó các doanh nghiệp cần tận dụng các hiệp định thương mại tự do khai thác thị trường mới để có thể bù đắp cho sự sụt giảm từ những thị trường truyền thống”, ông Tiệp nói.
Kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam - UAE đang hướng đến ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam – UAE (CEPA) trong thời gian sớm nhất. Kỳ vọng, xuất khẩu cá tra sẽ từng bước chiếm lĩnh thị phần và ghi dấu ấn tại thị trường này cũng như các thị trường khu vực Trung Đông.