Định vị thị trường
Số liệu GDP quý I/2024 của Mỹ thấp hơn kỳ vọng đã khiến các chỉ số chứng khoán của nước này có phiên giảm điểm khá mạnh. Tuy nhiên, về mặt kỳ vọng, sự kiện này lại làm dấy lên hi vọng FED sẽ sớm cắt giảm lãi suất.
Phản ứng của các thị trường châu Á đã không đi theo vận động của thị trường chứng khoán Mỹ. Chỉ số NIKKEI 225 (+1,14%) hồi phục khá tốt trong khi KOSPI (+0,04%), TWSE (-0,89%), SET (-0,24%) biến động trái chiều trong biên độ hẹp.
Còn VN-Index sau một phiên "rút chân" cũng chưa thể tranh thủ bứt thoát để chinh phục mục tiêu 1.300 điểm. Chỉ số chủ yếu dao động trong biên độ hẹp và đóng cửa trong sắc đỏ. Qua đó, chốt tuần giảm 0,02% và chốt tháng 5/2024 với mức tăng 4,32%.
Chất xúc tác
Ảnh hưởng của số liệu GPD Mỹ cũng tác động vào đồng USD khiến chỉ số DXY xuống dưới 105 điểm. Nhờ đó, tỷ giá tự do cũng hạ nhiệt đôi chút so với phiên hôm qua. Theo ghi nhận, tỷ giá tự do đang được bán ra trên 25.800 VND/USD.
Được biết, trong ngày hôm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút ròng 2.800 tỷ đồng ra khỏi thị trường, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường tăng lên mức 64.640 tỷ đồng, khối lượng trên kênh cầm cố giữ ở mức 81.766,82 tỷ đồng.
Thanh khoản của HOSE bị sụt giảm khá mạnh so với phiên "rút chân" hôm qua. Khớp lệnh của sàn đã giảm 36% xuống 617 triệu đơn vị, đồng thời đứt chuỗi 3 phiên khớp lệnh trên mức bình quân 20 phiên.
Đóng góp của nhà đầu tư nước ngoài chiếm gần 11% giao dịch 2 chiều và khối này vẫn bán ròng tiếp gần 1.400 tỷ đồng. Các mã Bluechips tiếp tục đứng đầu trong top bán ròng với VHM (-641 tỷ đồng), VCB (-256tỷ đồng), MWG (-129 tỷ đồng), VNM (-100 tỷ đồng), MBB (-75 tỷ đồng) trong đó VHM chủ yếu bị bán thỏa thuận.
Vận động thị trường
Dù thanh khoản có chiều hướng yếu đi, nhưng một số điểm sáng ở các nhóm ngành Điện, Bán lẻ, Dệt may, Thủy sản, Cảng biển vẫn xuất hiện như PPC (+2,8%), TBC (+2,6%), FRT (+3,3%), DGW (+1,7%), MWG (+1,3%), PNJ (+1,1%), TCM (+5,4%), TNG (+3,5%), GIL (+6,05%), STK (+2,6%), ANV (+5%), VSC (+2,82%).
Trong đó, nổi bật nhất là trường hợp của FRT tiếp tục lập kỷ lục về giá. Thông tin hỗ trợ cho FRT và cả nhóm Bán lẻ là Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 81/NQ-CP về đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT). Ngoài ra, FRT cũng mới được Dragon Capital nâng tỷ lệ sở hữu lên trên 10%.
Nếu có dòng tiền tốt hơn, trạng thái giá của các cổ phiếu kể trên có thể sẽ còn gây ấn tượng mạnh. Thực tế, tâm lý của nhà đầu tư vẫn đang phải bám sát sự dẫn dắt của các cổ phiếu lớn và điều này lại không được thể hiện trong phiên hôm nay.
Tại VN30, sắc đỏ xuất hiện tại 18/30 mã trong đó nhiều cổ phiếu giảm trên 1% như GVR (-2,4%), SAB (-1,7%), POW (-1,6%), VCB (-1,6%), BID (-1,3%), GAS (-1,2%), VIB (-1,1%). Ở chiều ngược lại, chỉ có 2 cổ phiếu HPG (+1,2%), MWG đạt mức tăng trên 1%.
Do đó, VN30 gần như chỉ dao động quanh tham chiếu trong toàn bộ thời gian giao dịch. Chỉ số này đóng cửa giảm 0,26% kéo theo VN-Index mất 0,36% xuống 1.261,72 điểm. Tổng giá trị giao dịch toàn HOSE đạt 18.740 tỷ đồng, tương đương 771,15 triệu đơn vị.
Độ rộng chung của toàn HOSE khá cân bằng với 40% mã tăng so với 45% mã giảm. Trong khi đó, về mặt xu hướng, chỉ số VN-Index vẫn đang tạm giữ được xu hướng tăng ngắn hạn và khép lại tuần giao dịch cuối cùng của tháng 5/2024 với việc giảm 0,02%. Tính chung cả tháng 5, chỉ số gần như không chịu ảnh hưởng của hiệu ứng "Sell in May, go away" nhờ thành tích tăng 4,32%.
Với HNX và UPCoM, biến động trái chiều cũng xuất hiện tiếp với HNX-Index giảm 0,38% còn UPCoM-Index tăng 0,09%. Thành tích tháng của HNX-Index đạt 7,17% còn UPCoM-Index đạt 8,02%.