Truy tố vụ DongABank lần 4: Duyệt cho 5 công ty “ảo” vay, để lại nợ xấu hơn 5.000 tỷ

Cán bộ DongABank đã không thẩm định hồ sơ vay và tài sản đảm bảo, cả 5 công ty đều không đáp ứng điều kiện vay vốn khi không có doanh thu, không có lợi nhuận, không chứng minh được nguồn tài chính để trả nợ cho DAB.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố ông Trần Phương Bình, cựu Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank - DAB) cùng 7 đồng phạm về tội “Vi phạm quy định về ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”. Đây là lần thứ 4 ông Trần Phương Bình bị truy tố liên quan các sai phạm xảy ra tại DAB.

Theo hồ sơ vụ án, DAB thành lập năm 1992, vốn điều lệ 5.000 tỷ, 100% cổ đông trong nước, trong đó nhóm gia đình ông Trần Phương Bình chiếm 10,24%, nhóm PNJ chiếm 7,7%, nhóm Công ty Xây dựng Bắc Nam 79 chiếm 12,73%, nhóm Văn phòng Thành ủy TP.HCM chiếm 12,79%.

Từ 5/9 đến 28/12/2012, DAB Sở giao dịch cho 5 công ty thuộc nhóm M&C của “đại gia” Phùng Ngọc Khánh (thường gọi là Khánh đầu bạc) vay 5 khoản với tổng số tiền 1.680 tỷ đồng. Gồm Công ty Ngôi Sao vay 400 tỷ đồng, Công ty Liên Phát vay 400 tỷ đồng, Công ty Phát Vạn Hưng vay 410 tỷ đồng, Công ty Biển Bạc vay 380 tỷ đồng, Công ty Minh Quân vay 90 tỷ đồng và CTCP M&C vay hơn 146 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo chung cho 5 khoản vay là một phần quyền sử dụng đất, diện tích hơn 6,2ha thuộc dự án 7,6ha tại phường An Phú, quận 2 (nay là TP. Thủ Đức).

Cáo trạng xác định, sau khi được duyệt vay và DAB giải ngân về tài khoản 5 công ty, số tiền hơn 1.600 tỷ không được sử dụng theo đúng mục đích vay mà phần lớn được dùng để nhóm M&C của ông Khánh trả nợ cho các khoản vay trước đó.

Dẫn chứng một khoản vay, ngày 21/12/2012, DAB Sở giao dịch lập, ký tờ trình vay dài hạn 410 tỷ đồng của Công ty Phát Vạn Hưng và được ông Trần Phương Bình ký duyệt đồng ý cho vay. 3 ngày sau, đại diện Sở giao dịch là ông Nguyễn Đức Tài và đại diện Phát Vạn Hưng là Lê Tiến Dũng ký hợp đồng tín dụng vay 410 tỷ, thời hạn 7 năm, mục đích góp vốn đầu tư xây dựng khai thác kinh doanh dự án 7,6ha tại quận 2 với Công ty Liên Phát.

Cùng ngày 24/12/2012, DAB Sở giao dịch giải ngân 410 tỷ cho Phát Vạn Hưng, tiền sau đó được chuyển vào tài khoản của Liên Phát. Trong ngày, Liên Phát chuyển tiếp tiền cho công ty M&C. Sau khi nhận tiền, M&C không sử dụng tiền để đầu tư vào dự án như phương án vay vốn, mà sử dụng hơn 409 tỷ để trả nợ cho 4 khoản vay của 3 công ty và 595 triệu sử dụng cho mục đích khác.

4 khoản vay còn lại của 4 công ty trong nhóm M&C cũng được tiến hành tương tự.

Cơ quan Điều tra Bộ Công an xác định, khi các khoản vay của các tổ chức, cá nhân thuộc Nhóm M&C đến hạn thanh toán, do không có tiền để trả nợ nên Phùng Ngọc Khánh đã thỏa thuận, thống nhất với Trần Phương Bình về việc Khánh nhờ 5 cá nhân là bạn của Khánh hoặc nhân viên của nhóm M&C đứng tên đại diện pháp luật của 5 công ty để ký hồ sơ vay.

Quá trình vay vốn, Phùng Ngọc Khánh đã chỉ đạo lập phương án kinh doanh, các hợp đồng hợp tác giữa Công ty Liên Phát với các công ty vay vốn để làm hồ sơ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay; lập hợp đồng hợp tác giữa Công ty M&C với Công ty Liên Phát để làm hồ sơ chứng minh tài sản đảm bảo; trực tiếp ký các hợp đồng thế chấp 3 bên để hoàn thiện hồ sơ tài sản đảm bảo cho khoản vay; chỉ đạo việc sử dụng tiền vay của các công ty để trả nợ cho các khoản vay cũ của nhóm M&C…

Quá trình tiếp nhận, thẩm định và phê duyệt cho vay, 6 cán bộ DAB đã không thẩm định hồ sơ vay và tài sản đảm bảo, trong khi cả 5 công ty trên đều không đáp ứng điều kiện vay vốn (không có doanh thu, không có lợi nhuận, không chứng minh được nguồn tài chính để trả nợ cho DAB); phương án kinh doanh, phương án vay vốn được lập khống, việc hợp tác đầu tư chưa có sự chấp thuận của Công ty Đại Tín (chủ dự án 7,6ha); dự án đầu tư chưa có căn cứ xác định tính khả thi thực hiện trên thực tế; tài sản đảm bảo cho khoản vay chưa đủ căn cứ pháp lý để thế chấp.

Theo Cơ quan Điều tra, ông Trần Phương Bình với vai trò là CEO DAB là đối tượng chính, có hành vi tổ chức, chỉ đạo cấp dưới Nguyễn Thị Ngọc Vân, Nguyễn Đức Tài không thẩm định hồ sơ vay và tài sản đảm bảo, lập tờ trình đề nghị hội sở phê duyệt cho 5 công ty vay 1.680 tỷ để Phùng Ngọc Khánh sử dụng vốn sai mục đích.

Cơ quan Điều tra kết luận, đến nay, 5 công ty trên đã ngừng hoạt động và không có khả năng hoàn trả cho DAB hơn 5.000 tỷ, gồm 1.680 tỷ nợ gốc. Tài sản thế chấp chung cho 5 khoản vay là hơn 6,2ha trong dự án 7,6ha được Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự TP.HCM kết luận giá trị tại thời điểm thế chấp vốn vay DAB chỉ có giá trị 79,65 tỷ và giá trị tại thời điểm hội đồng định giá nhận được tài liệu của cơ quan điều tra tháng 5/2020 là hơn 184 tỷ.

Theo Lao động Công đoàn

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE