Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu gạo tháng 5/2023 đạt 724.609 tấn, trị giá hơn 390,577 triệu USD, so với tháng trước giảm 30,6% về lượng và giảm 28,4% về kim ngạch. Cộng dồn 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 3,619 triệu tấn, trị giá 1,916 tỷ USD, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 30,8% về lượng và tăng 41,6% về kim ngạch.
Xuất khẩu gạo sang thị trường Indonesia và Malaysia tăng "khủng"
Không chỉ tăng mạnh về lượng và kim ngạch xuất khẩu, giá gạo Việt Nam cũng đang đứng ở mức cao so với các nước khác. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), do nguồn cung hạn chế nên thị trường nhập khẩu vẫn có nhu cầu đẩy giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao so với các nước xuất khẩu gạo khác.
Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Việt Nam ở mức 498 USD/tấn; gạo 5% của Thái Lan giá 494 USD/tấn; gạo 5% tấm Ấn Độ giá 453 USD/tấn và gạo 5% tấm Pakistan giá 488 USD/tấn.
Đáng chú ý, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang các thị trường lớn, như Philippines, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia đều tăng mạnh về lượng và kim ngạch; trong đó tăng “khủng” nhất là 2 thị trường Indonesia và Malaysia.
Theo đó, trong 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo sang thị trường Philippines đạt trên 1,532 triệu tấn, trị giá hơn 772,428 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 20,59% về lượng và tăng 31% về giá trị.
Xuất khẩu gạo sang thị trường lớn thứ hai Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm đạt 632.469 tấn, trị giá trên 364,174 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 62,74% về lượng và tăng 79,09% về kim ngạch.
Đứng thứ ba là thị trường Indonesia với lượng gạo xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm đạt 369.032 tấn, trị giá 181,35 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 16 lần về lượng và tăng 16,19 lần về kim ngạch.
Đứng thứ tư là Malaysia với lượng gạo xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm đạt 185.232 tấn, trị giá 90,071 triệu USD, so với 5 tháng đầu năm 2022, tăng 8,02 lần về khối lượng và tăng 8,04 lần về kim ngạch.
Khối lượng xuất khẩu gạo sẽ không tăng mạnh như đầu năm
Nhận định về tình hình xuất khẩu gạo trong nước, ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Intimex Group cho biết, nguồn gạo Đông Xuân đã cạn, diện tích lúa Hè Thu sớm thu hoạch ít, chất lượng chưa ổn định nên có ít khách hàng tìm đến đàm phán hợp đồng mới. Trong khi Philippines tồn kho đang lớn, giá gạo Việt Nam lại quá cao, buộc họ phải dừng lại để đưa giá xuống.
Đây cũng là xu hướng chung của người mua nhằm giảm áp lực giá, nhất là đối với khách hàng lớn. Tuy nhiên, giá gạo có khả năng tiếp tục tăng trong tháng 7 và tháng 8 nhưng mức tăng sẽ không nhiều vì giá gạo Việt Nam đang cao hơn so với các nước xuất khẩu gạo Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan.
“Nhu cầu gạo của Indonesia và Malaysia đang tăng mạnh. Châu Phi chắc chắn sẽ tiếp tục mua vào; trong khi đó, nếu Philippines gặp một số cơn bão buộc họ tăng dự trữ gạo để tránh rủi ro, khi đó nguồn cung gạo Hè Thu sẽ rất thiếu. Do vậy, đầu ra vụ Hè Thu không đáng ngại cho dù chất lượng gạo không cao như vụ Đông Xuân, khi đó giá gạo Việt Nam sẽ tăng thêm nhưng không tăng nhiều do giá đã quá cao rồi”, Phó chủ tịch VFA nói.
Chia sẻ quan điểm với Phó chủ tịch VFA, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng cho biết, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu gần 4 triệu tấn gạo nên tồn kho gạo Đông Xuân trong nước đã cạn, số ít còn lại, doanh nghiệp đang chờ thực hiện hợp đồng.
Theo ông Đôn, sản lượng lúa Hè Thu ở Đồng bằng sông Cửu Long năm nay được dự báo không tăng thậm chí giảm do nông dân chuyển đổi mục đích sản xuất và do ảnh hưởng El Nino. Mặc dù vậy, nhu cầu thị trường là có, nhất là từ Indonesia, Malaysia và Philippines. Tuy nhiên, giá gạo của Việt Nam đang cao nên khó bán.
“Ngày hôm qua, tôi mới ký được hợp đồng bán gạo ST21 Hè Thu sớm đi Trung Quốc giá 580 USD/tấn, giảm 35 USD tấn so với gạo ST21 vụ Đông Xuân (giá 615 USD/tấn) do chất lượng kém. Như vậy, giá các loại gạo khác của vụ Hè Thu cũng sẽ giảm theo”, ông Đôn nói.
Trong một báo cáo mới đây, Dịch vụ Nông nghiệp Nước ngoài của Bộ Nông nghiệp Mỹ (FAS) cho biết, mức tiêu thụ gia tăng ở Philippines có thể dẫn đến việc tăng nhập khẩu gạo lên 3,8 triệu tấn (MT) vào năm 2024.
Đây sẽ là mức tăng 5% so với mức nhập khẩu dự kiến là 3,6 triệu tấn cho năm tiếp thị 2023 đến 2024. Việt Nam vẫn là nguồn nhập khẩu gạo hàng đầu của đất nước này, vì trong 5 tháng đầu năm nay đã cung cấp hơn 1,5 triệu tấn, tương đương gần 90% tổng số.