Trang web Diễn đàn Đông Á mới đây đăng bài viết của Giáo sư David Dapice, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Trung tâm Ash về quản trị dân chủ và đổi mới, thuộc Trường Quản lý nhà nước John F Kennedy, Đại học Harvard của Mỹ, nhận định kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, sau 2 năm chịu tác động của dịch bệnh COVID-19.
Theo bài báo, các dự báo cho thấy mức tăng trưởng thực GDP của Việt Nam trong năm 2022 thấp hơn chút ít so với mức 8,8% trong 9 tháng đầu năm.
Xuất khẩu của Việt Nam trong 11 tháng năm 2022 ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn nhập khẩu, với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu là 13% và nhập khẩu là 10% nên giá trị thặng dư thương mại ở mức khiêm tốn.
Du lịch đã phục hồi từ mức thấp của năm 2021, từ đó hỗ trợ tăng trưởng mạnh mẽ trong ngành dịch vụ.
Sản xuất và công nghiệp của Việt Nam trong 11 tháng tăng, nhưng mức tăng chậm hơn so với đầu năm.
Các đơn đặt hàng xuất khẩu chậm lại, dẫn đến nguy cơ nhiều công nhân nhà máy có thể mất việc làm. Đây là một mối lo ngại nếu xu hướng này gia tăng trong năm 2023. Ngoài ra, có những vấn đề liên quan đến các công ty bất động sản.
Tuy nhiên, Giáo sư Dapice nhận định kinh tế Việt Nam có những điểm mạnh để bù đắp những thách thức. Lạm phát được ghi nhận ở mức thấp một con số. Mức giảm giá đồng nội tệ so với đồng USD thấp hơn nhiều so với nhiều quốc gia khác, tính đến đầu tháng 12/2022, đồng tiền này chỉ mất giá khoảng 5% so với đồng USD.
Với chính sách tài khóa siết chặt, hầu hết các ngân hàng Việt Nam ở thế mạnh nguồn vốn dồi dào, trừ một số ít ngoại lệ.
Dòng vốn vào cao và việc thực hiện đầu tư nước ngoài đồng nghĩa khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi, sẽ có một dòng luân chuyển lao động từ ngành nông nghiệp năng suất thấp sang ngành sản xuất năng suất cao hơn.
Điều này sẽ làm tăng nhu cầu về bất động sản ở các thành phố, mặc dù tốc độ tăng trưởng dân số thấp hơn.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành sản xuất cũng sẽ hỗ trợ tăng trưởng và góp phần chuyển đổi cơ cấu của nền kinh tế Việt Nam.
Các kế hoạch ngừng hoặc cắt giảm việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới sẽ tránh được tài sản bị mắc kẹt và ô nhiễm.
Bên cạnh đó, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) giúp Việt Nam dễ dàng tiếp cận thị trường thế giới.
Theo Giáo sư David Dapice, trong năm 2023, động lực thúc đẩy kinh tế Việt Nam có thể sẽ không còn là xuất khẩu hoặc chi tiêu tiêu dùng - vốn đã tăng mạnh trong năm 2022.
Thay vào đó, ngành du lịch sẽ phục hồi hơn nữa khi Trung Quốc nới lỏng chính sách về COVID-19 cùng với sự gia tăng mạnh mẽ trong đầu tư của chính phủ nhằm thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%.
Đây là một mục tiêu tham vọng và có thể khó khăn nếu nền kinh tế thế giới, hoặc ít nhất là các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc, không ổn định.
Là nước xuất khẩu lớn, Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nền kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh các nền kinh tế khác có tiêu dùng hoặc đầu tư ít hơn, lượng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023 có thể bị tác động.
Một số hãng truyền thông quốc tế như hãng tin Reuters và trang asiafinancial (Hong Kong) đã dẫn ý kiến giới chuyên gia kinh tế cảnh báo dù nền kinh tế của Việt Nam năm 2022 tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập niên, nhưng Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những “cơn gió ngược” phía trước, trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy yếu ảnh hưởng đến các chuyến hàng xuất khẩu.
Tuy nhiên, trang web Diễn đàn Đông Á dẫn lời chuyên gia kinh tế David Dapice khẳng định rằng trong năm 2023, nếu không có thiên tai lớn, Việt Nam có thể duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế, miễn là môi trường toàn cầu tiếp tục cải thiện.