Vào giữa tháng 9/2024, CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) đã xin tạm hoãn triển khai đợt tăng vốn điều lệ để thay đổi một số nội dung và xin ý kiến lại cổ đông.
Tới ngày 24/9, TCBS đã công bố các nội dung sửa đổi, bổ sung để xin ý kiến cổ đông bằng văn bản. Cụ thể, cổ phiếu quỹ (nếu có) không được thực hiện quyền, các cổ phiếu trong tình trạng hạn chế chuyển nhượng theo quy định của TCBS vẫn được nhận cổ phiếu từ đợt phát hành.
Cùng với đó, bổ sung thêm thông tin về sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại TCBS đang là 2,25 triệu cổ phiếu, tương đương 1,03% cổ phần của Công ty.
Với kế hoạch phát hành theo tỷ lệ 1:8, TCBS sẽ tăng vốn điều lệ từ 2.179,25 tỷ đồng lên 19.613 tỷ đồng. Nguồn vốn phát hành được lấy từ thặng dư vốn cổ phần và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài vẫn sẽ được giữ nguyên nhưng lượng cổ phiếu sẽ được thay đổi lên thành hơn 18 triệu cổ phiếu.
Thực tế, đợt phát hành này của TCBS là động thái kỹ thuật để tăng vốn điều lệ bởi quy mô vốn chủ sở hữu tới hết quý II/2024 đã đạt hơn 24.600 tỷ đồng, đứng đầu toàn ngành.
Thông qua đợt triển khai phát hành, quy mô vốn điều lệ của TCBS sẽ có sự thay đổi tương xứng với vị thế của Công ty.
Hiện các CTCK khác cũng đang ráo riết triển khai các đợt tăng vốn. Sau khi VND hoàn tất tăng vốn điều lệ lên hơn 15.200 tỷ đồng, SSI cũng vừa thực hiện chốt quyền cho đợt trả cổ tức bằng tiền, phát hành tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu và phát hành cho cổ đông hiện hữu. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 24/9.
Dự kiến, quy mô vốn điều lệ mới của SSI khi hoàn tất các đợt phát hành kể trên là 19.645 tỷ đồng, nhỉnh hơn so với TCBS.