Vào ngày 02/03, gạo loại 5% tấm của Việt Nam có giá 448 USD/tấn (giảm 5 USD/tấn), Thái Lan giá 458 USD/tấn (tăng 5 USD/tấn), Ấn Độ giá 440 USD/tấn và Pakistan là 458 USD/tấn bằng giá gạo Việt Nam.
Giải thích nguyên nhân giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang sụt nhưng giá gạo xuất khẩu Thái Lan lại tăng, ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Chủ tịch HĐQT Intimex Group cho rằng, do có nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng, vụ chưa vào kịp mà khách yêu cầu giao hàng, bị thiếu hàng nên doanh nghiệp đẩy mạnh mua vào khiến giá gạo phải lên.
Sau khi các hợp đồng đã giao xong, tiến độ thu mua lúa gạo chậm lại và Đồng bằng sông Cửu Long lại vào vụ thu hoạch rộ, nông dân cần bán thì giá lúa lại xuống.
Đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch rộ vụ Đông Xuân, giá lúa gạo đang điều chỉnh về mức hợp lý hơn nên thương nhân các nước Philippines, Trung Quốc … tăng mua, nhưng họ thường o ép hết mức giá gạo Việt Nam, trong trường hợp này doanh nghiệp nào cần bán thì đẩy hàng ra, vì khi thị trường có nguồn cung dồi dào dễ dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán nhưng thị trường sốt giá họ vẫn sẵn sàng mua cao.
Có đáng ngại khi doanh nghiệp Campuchia muốn lấn sân vào Philippine?
Trên thị trường đang rộ lên thông tin cho hay các doanh nghiệp Campuchia đang đàm phán với các thương nhân Philippines mời sang Campuchia mua lúa gạo. Vậy yếu tố Campuchia có trở thành lực cản đối với ngành gạo Việt Nam?
Theo Phó chủ tịch VFA, trong thương mại gạo rất cần tính chuyên nghiệp cao và trong trường hợp Campuchia nếu như tin đồn họ mời thương nhân Philippines sang mua gạo thì cũng không có gì đáng ngại.
Theo ông Nam, tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp Campuchia trong thương mại gạo chưa cao, và đa số họ có thói quen kinh doanh theo kiểu “tiền trao cháo múc”, không mua bán và thanh toán theo quốc tế như LC, nhờ thu hay mở sổ ... và tình hình tài chính của của họ cũng không mạnh, chưa kể khâu chế biến của Campuchia cũng chưa cao.
Ông Nam cho rằng, để thành công trên thị trường nhất là thị trường gạo cần nhất là uy tín, đặc biệt không bao giờ được hai lời với đối tác, kể cả với người nông dân.
“Khi chúng ta làm ăn uy tín thì người mua lẫn người bán đều thích, đặc biệt là khi mua lúa với nông dân phải cân đúng, cân đủ và trả tiền ngay sau khi cân lúa, còn người nông dân thấy nơi nào mua bán đàng hoàng thì họ sẽ rất thích giao dịch và vụ lúa sau chắc chắn sẽ tiếp tục bán cho mình”, Chủ tịch Intimex Group nói.
Nhận định về thị trường lúa gạo trong thời gian tới, ông Đỗ Hà Nam cho rằng nhu cầu vẫn lớn, khi thị trường có nhu cầu thì người mua sẽ tranh thủ mua vào và không ép giá được bên bán, nên việc giá gạo xuất khẩu xuống nhiều sẽ không có.
Nhưng nếu doanh nghiệp cứ ồ ạt bán ra thì sẽ bất lợi, vì khi nhu cầu tăng lên lượng lúa gạo hàng hóa của Việt Nam sẽ không có khả năng thỏa mãn đủ nhu cầu của người mua, vì lượng gạo của xuất khẩu của Việt Nam cũng không nhiều chỉ xoay quanh 6 triệu tấn gạo/năm, trong khi thị trường rất lớn và người mua phải mua từ nhiều thị trường.
Năm thuận lợi cho ngành lúa gạo
Giá gạo xuất khẩu trên thị trường tuy có điều chỉnh giảm nhưng nhìn chung tốt cho người nông dân lẫn doanh nghiệp xuất khẩu gạo, và năm nay sẽ là một năm thuận lợi cho ngành lúa gạo Việt Nam.
Theo Phó chủ VFA, giá gạo sẽ có biến động nhưng nhu cầu thực vẫn đang cao và các nước Philippines, Trung Quốc, Indonesia, châu Phi đều có nhu cầu cao. Vì vậy, nên giá gạo xuất khẩu sẽ có cơ hội, còn giá lên hay xuống sẽ tùy thuộc vào giá mua, bán của từng thời điểm. Hiện đang thu hoạch rộ lúa Đông Xuân, giá có xu hướng giảm, bên bán sẽ tranh thủ bán ra nên bị bên mua sẽ ép được giá.
“Song, nói ép giá cũng không đúng vì trong thương mại phải thuận mua vừa bán, vì khi cung vượt cầu giá tất nhiên phải xuống, đến khi cung không đủ cầu thì giá lại lên. Cơ chế thị trường luôn vận hành theo cách của nó.
Hiện nay có nhiều khách hàng tìm mua gạo của Việt Nam như Trung Quốc, Philippines, châu Phi, ... trong đó lượng mua từ Philippines cao nhất. Không chỉ năm nay mà đã hai năm qua họ vẫn là khách mua gạo nhiều nhất và chiếm gần một nửa lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Năm 2023 cũng không ngoại lệ, Philippines sẽ vẫn là người mua lớn nhất và mức mua năm nay sẽ xoay quanh 2,5 triệu tấn gạo”, ông Nam nói.
Năm 2022, nhập khẩu gạo của Philippines đạt 3,7 triệu tấn trong năm 2022, khiến nước này trở thành nước nhập khẩu gạo lớn thứ hai thế giới. Con số này có thể sẽ gần như giữ nguyên vào năm 2023.
Trong tổng số gạo nhập khẩu của Philippines vào năm ngoái, khoảng 90% đến từ Việt Nam. Phần nhập khẩu còn lại đến từ Thái Lan. Đất nước này cũng đang đặt kỳ vọng xuất khẩu gạo của sang Philippines dự kiến tăng gấp đôi trong năm 2023.