Nới visa lên 90 ngày từ 15/8, du lịch Việt đợi cú hích từ khách ngoại

Ngày 15/8 tới đây, theo quy định mới, thời hạn thị thực điện tử (e-visa) cho khách du lịch sẽ được nâng từ 30 lên 90 ngày.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau khi được cấp thị thực điện tử, trong 90 ngày khách du lịch cũng được nhập, xuất cảnh không giới hạn số lần, không phải làm thủ tục cấp thị thực mới.

Bên cạnh đó, công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực được cấp tạm trú 45 ngày (quy định trước đó là 15 ngày) và được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định.

Kỳ vọng sẽ là "cú hích" hút khách du lịch

Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Flamingo Redtours cho biết, lâu nay, chính sách visa luôn là một trong những “điểm nghẽn” của ngành du lịch. Bởi vậy, những chính sách mới về thị thực, xuất nhập cảnh vừa được Quốc hội thông qua sẽ là “cú hích” thu hút du khách quốc tế. Nhất là chính sách có hiệu lực từ 15/8/2023 - đúng vào mùa cao điểm khách du lịch đến Việt Nam (từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau).

Vì vậy, bên cạnh việc chủ động thông báo tới các đối tác thị trường liên quan về chính sách xuất nhập cảnh mới, doanh nghiệp cũng đang gấp rút thăm dò nhu cầu tại các điểm đến, xây dựng các sản phẩm phù hợp để du khách ở lâu hơn, chi tiêu hơn và vui hơn.

“Sẽ có sản phẩm du lịch kéo dài thời gian hơn dành cho khách đã về hưu; các sản phẩm du lịch dành cho khách có nhu cầu khám phá văn hóa Việt Nam; sản phẩm du lịch kết hợp với chữa bệnh, hay các sản phẩm du lịch kết hợp với các nước nước khác, sau đó quay trở lại Việt Nam. Hiện, các đối tác nước ngoài rất tích cực hợp tác để hoàn thiện các sản phẩm mới và quảng bá đến du khách. Chúng tôi kỳ vọng, khi chính sách có hiệu lực thì sẽ có ngay những đoàn khách đi các tour này.”, ông Hoan nói.

Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Flamingo Redtours

Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Flamingo Redtours

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cũng cho rằng, chính sách visa mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc nâng sức cạnh tranh điểm đến của Việt Nam trong việc tiếp cận của nguồn khách mới, đặc biệt là luồng khách chủ động, luồng khách gia đình, luồng khách đi nhỏ lẻ, …có nhu cầu đi du lịch nước ngoài.

Đây cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp xây dựng lại các sản phẩm du lịch với thời gian kéo dài hơn, thu hút các thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao hơn, thời gian lưu trú lâu hơn cũng như xây dựng kế hoạch kinh doanh "dài hơi" hơn.

Vì vậy, hiện cộng đồng doanh nghiệp chủ đã thông báo với các đối tác nước ngoài, các thị trường lớn, thị trường chính, các thị trường được tháo gỡ visa. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng xây dựng các sản phẩm mới phù hợp và tổ chức các hoạt động quảng bá xúc tiến sâu vào thị trường, bằng việc mời đoàn khảo sát của các thị trường vào Việt Nam, làm sao nhanh chóng có được hiệu quả từ chính sách mới.

“Trên thực tế, một số thị trường phản ứng nhanh với chính sách đã có khách. Chắc chắn, trong 6 tháng cuối năm và những năm tiếp theo, lượng khách du lịch quốc tế Việt Nam sẽ gia tăng đáng kể”, ông Dũng kỳ vọng.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng

Cần liên kết để tạo ra mức giá hợp lý

Còn theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, với những điều kiện lý tưởng, thì ngành du lịch hoàn toàn có thể đạt, thậm chí vượt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023.

Tuy vậy, visa chỉ là yếu tố mở đầu, như lời mời du khách đến với Việt Nam. Còn lượng khách có tăng hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khách đến sẽ thưởng thức gì, vui vẻ ra sao, có cảm thấy thích thú để chi nhiều tiền, có ở lâu không…

“Trong thời gian khách lưu trú 45 ngày tại Việt Nam, người làm du lịch phải có sản phẩm như thế nào để đáp ứng nhu cầu của khách, phải có gì cho họ xem, khiến họ thích thú để ở lại nhiều ngày và còn muốn quay trở lại trong thời gian tới.”, ông Bình lo lắng.

Vì vậy, mỗi doanh nghiệp phải tìm kiếm, xây dựng sản phẩm phù hợp nhất với từng thị trường khách, cũng như phối hợp giữa các ngành ra sao, đặc biệt là trong chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch làm thế nào kết hợp hài hòa để đảm bảo giá thành phù hợp.

“Cạnh tranh về giá không còn là yếu tố quyết định trong giai đoạn tới nhưng vẫn là hấp dẫn khách du lịch. Nên các doanh nghiệp cũng cần liên kết để tạo ra mức giá hợp lý cho các dịch vụ phục vụ từ khách nội địa đến khách quốc tế.”, ông Bình nhìn nhận.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam

Về vấn đề này, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Flamingo Redtours cho rằng, trong ngành du lịch, để thu hút hút được khách thì ngoài sản phẩm phù hợp, truyền thông tốt, chính sách xuất nhập cảnh thông thoáng thì giá tour hấp dẫn cũng là yếu tố quan trọng.

Trong khi đó, tại Việt Nam, nhiều chi phí đầu vào của ngành du lịch luôn ở mức cao như giá vé máy bay cao, dịch vụ nhà hàng, khách sạn đắt đỏ; chi phí lao động cũng tăng... Điều này rất khó để xây dựng các sản phẩm khuyến mại, kích cầu hấp dẫn du khách.

Theo ông Hoan, để giảm giá tour hấp dẫn du khách, bản thân ngành du lịch không thể làm một mình trên hành trình này, mà cần sự đồng đồng hành của Chính phủ và các bộ ngành liên quan để khai thác tốt nhất những lợi thế mà chính sách mới mang lại.

“Vừa rồi, Chính phủ cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ thuế giá trị gia tăng (VAT) 2%, tuy vậy doanh nghiệp mong muốn được cắt giảm nhiều loại chi phí khác như lãi suất, tiền thuê đất, phí dịch vụ … để doanh nghiệp có thể xây dựng các sản phẩm tốt với giá thành hấp dẫn.”, ông Hoan kiến nghị.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam

Nhấn mạnh khó khăn lớn nhất liên quan đến chính sách visa đã được tháo gỡ, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cũng lưu ý, đây mới chỉ là "điều kiện cần", còn "điều kiện đủ" để du lịch Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh hơn cũng như tạo sức hút mạnh mẽ hơn thì cần phải có một loạt các giải pháp đồng bộ.

“Phải tạo được những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn. Triển khai công tác xúc tiến quảng bá một cách mạnh mẽ, bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn. Công tác quản lý điểm đến, đặc biệt là an ninh an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách khi đi du lịch tại Việt Nam phải được chú trọng hơn nữa.”, ông Khánh nêu.

Bên cạnh đó, một vấn đề quan trọng là phải đào tạo được nguồn nhân lực về du lịch vừa đáp ứng được nhu cầu về số lượng vừa đáp ứng yêu cầu chất lượng, từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ cung cấp du khách du lịch. Ngoài ra, ngành du lịch cũng phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động của ngành.

Theo Lao động Công đoàn

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE