Hôm nay, Ngân hàng Thế giới (WB) đã có buổi họp báo công bố báo cáo mới nhất có tựa đề "Để đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng". Tại buổi họp báo, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - bà Carolyn Turk đã phân tích một số thách thức từ bên ngoài mà kinh tế Việt Nam đang đối mặt.
Ngành năng lượng giữ vai trò cốt lõi trong các hoạt động đầu tư
Theo giám đốc quốc gia của WB, có hai yếu tố chính sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam bao gồm tăng trưởng GDP và thương mại toàn cầu chững lại sẽ có tác động đáng kể với Việt Nam.
Các đơn hàng đã giảm mạnh trong thời gian vừa qua, điều này ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lao động dù rằng trên thực tế tỷ lệ thất nghiệp chưa cao. Tốc độ tăng trưởng việc làm chậm lại, đặc biệt trong nhóm các doanh nghiệp định hướng xuất khẩu, tình hình việc làm tại nhóm các doanh nghiệp này khó khăn khi nhu cầu bên ngoài yếu đi.
Trong bối cảnh này, chuyên gia WB cho rằng chính phủ và doanh nghiệp cần phải có thêm chính sách để bảo vệ người lao động và hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế nói chung không bị sụt giảm quá sâu.
Giám đốc quốc gia WB khẳng định đầu tư công giữ vai trò quan trọng, tuy nhiên cần nhận xét rằng đầu tư công ở Việt Nam đang đối mặt cản trở lớn, đặc biệt giải ngân đầu tư công lũy kế đến cuối tháng 6/2023 chỉ đạt 30% dự toán ngân sách của năm 2023, như vậy cần phải cải thiện hiệu quả, chất lượng các dự án đầu tư công. WB đề xuất cần có những biện pháp ngắn hạn kết hợp với dài hạn, đầu tư vào ngành năng lượng. Ngành năng lượng giữ vai trò cốt lõi trong các hoạt động đầu tư.
Ngoài ra chuyên gia WB cho rằng cần đến những cải cách cần thiết trong lĩnh vực tài chính. Cần phải xử lý được những nút thắt đang ngăn cản hoạt động đầu tư công như giải phóng mặt bằng, ngoài ra áp dụng đơn giá và định mức chi phù hợp.
Không chỉ vậy phải cải thiện quy trình đấu thầu mua sắm để gia tăng đầu tư công tạo tổng cầu quan trọng cho kinh tế Việt Nam. Ngành năng lượng cũng cần có sự đầu tư để củng cố cho đầu tư công trong cả nước.
Gần đây, hạ tầng truyền tải điện tại Việt Nam cũng đã nhận được sự đầu tư để cải thiện năng lực cung cấp. Tình trạng sụt lún, sạt lở tại nhiều nơi cho thấy cần đến phải đầu tư mạnh tay hơn để có thể ứng phó hiệu quả hơn với biến đổi khí hậu, ngoài ra hướng đến việc tăng trưởng xanh, thân thiện với môi trường.
Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB – bà Dorsati Madani trong khi đó chia sẻ những phân tích về khó khăn mà kinh tế trong nước đang đối mặt. Theo kết quả khảo sát mà WB thực hiện mới đây với một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khoảng 7% các doanh nghiệp trả lời cho biết họ đã buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất.
Trong lĩnh vực bán lẻ, tiêu dùng người dân tăng khá chậm, tốc độ tăng trưởng thậm chí thấp hơn so với thời kỳ trước COVID-19. Tuy nhiên, Chính phủ đã có quyết sách phù hợp và nhanh nhạy, chuyên gia WB tin việc giảm thuế VAT 2% trong 6 tháng cuối năm sẽ góp phần quan trọng giúp cho tiêu dùng trong nước gia tăng.
Sự phục hồi của đầu tư tư nhân sẽ diễn ra chậm hơn so với sự phục hồi trong lĩnh vực công, tiền lương và lương hưu trong lĩnh vực công sẽ tăng trong nửa cuối năm 2023, yếu tố này sẽ giúp hỗ trợ cho tiêu dùng trong nước.Trong 6 tháng cuối năm 2023, giải ngân FDI sẽ vẫn giữ được tốc độ ổn định như hiện tại
Lạm phát giá cả tiêu dùng sẽ vẫn ở mức khoảng 3,5% khi giá năng lượng giảm phần nào và cầu trong nước cũng giảm. Lạm phát sẽ vẫn là yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế; yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát sẽ là giá điện tăng 3% và mức lương trong lĩnh vực công tăng. Trong những năm tới, WB cũng không tin Việt Nam sẽ có lạm phát cao.
Dư địa chính sách tiền tệ còn ít, tài khóa còn nhiều
Chuyên gia WB đưa ra một số khuyến nghị chính sách liên quan đến chính sách tiền tệ và tài khóa. Nhu cầu trên toàn cầu yếu hơn so với dự kiến, điều kiện huy động tài chính toàn cầu tiếp tục bị thắt chặt, gia tăng khoảng cách về vị thế chính sách tiền tệ giữa Việt Nam và các quốc gia phát triển, việc này có thể dẫn đến dòng vốn chạy ra khỏi nước và gây áp lực cho tỉ giá.
Trong bối cảnh đó, chính sách tiền tệ cần phối hợp với chính sách tài khóa. Dư địa chính sách tiền tệ có hạn chế, kênh tác động truyền dẫn còn yếu nên tiếp tục cắt giảm lãi suất chưa chắc đã hiệu quả trong ngắn hạn do cơ chế truyền dẫn không hiệu quả, và nhu cầu không cao. Cần cho phép tỉ giá linh hoạt hơn trong biên độ hiện tại sẽ tạo điều kiện để xử lý nhanh hơn biến động trên thị trường ngoại hối, tránh cạn kiệt dự trữ ngoại hối.
Theo chuyên gia WB, chính sách tiền tệ còn ít dư địa và kênh dẫn truyền yếu chính vì vậy cần phải tăng cường vai trò của chính sách tài khóa, cần áp dụng chế độ tỷ giá linh hoạt cao hơn nhằm xử lý bất ổn có thể xảy ra trên thị trường ngoại hối và tránh làm cho dự trữ ngoại hối bị suy giảm nếu vẫn giữ chế độ tỷ giá kém linh hoạt.
Việc tiếp tục hạ lãi suất không mang lại hiệu quả gì nhiều trong ngắn hạn, cơ chế dẫn truyền qua chính sách tiền tệ khá yếu, nhu cầu tín dụng đồng thời không cao khi doanh nghiệp giảm hoạt động sản xuất kinh doanh. Thực tế đó lý giải chính sách tiền tệ sẽ khó phát huy hiệu quả như chính sách tài khóa, chuyên gia WB giải thích.
Đồng thời chuyên gia kinh tế cao cấp của WB khuyến nghị Việt Nam cần củng cố tỉ lệ an toàn vốn của các ngân hàng; tăng cường cơ chế thể chế về giám sát an toàn, can thiệp sớm, xử lý ngân hàng yếu kém và quản lý khủng hoảng; tăng cường cơ chế xử lý ngân hàng yếu kém; sửa đổi Luật về các tổ chức tín dụng và Luật Ngân hàng nhà nước có vai trò hết sức quan trọng nhằm xử lý những yếu kém mang tính cơ cấu.
Chuyên gia WB lưu ý khả năng thiếu điện là một trong những rủi ro ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế thời gian tới, chuyên gia WB khuyến nghị cải cách cơ cấu để đảm bảo phục hồi bền vững: Đầu tư cho truyền tải năng lượng, hình thành khả năng chống chịu biến đổi khí hậu toàn cầu (trong đó tính đến yếu tố thích ứng và giảm thiểu rủi ro biến đổi khí hậu trong quyết định đầu tư, xanh hóa sản xuất qua áp thuế các-bon và các công cụ tài khóa khác).