Mitsubishi Materials Corporation bán 10% cổ phần tại MSR
Mitsubishi Materials Corporation (Nhật Bản) thông báo đã bán toàn bộ gần 110 triệu cổ phiếu MSR của Công ty CP Masan High-Tech Materials, tương đương tỷ lệ sở hữu 10% trong phiên ngày 30/5.
Cùng ngày, ông Tadakazu Ohashi, người đại diện Mitsubishi Materials Corporation tham gia làm Thành viên HĐQT của Masan High-Tech Materials cũng đã có thư từ nhiệm gửi HĐQT của Masan High-Tech Materials xin từ nhiệm trước nhiệm kỳ.
Trước đó, Mitsubishi Materials Corporation đã đăng ký bán toàn bộ gần 110 triệu cổ phiếu MSR với mục đích nhằm tái cơ cấu danh mục đầu tư. Phương thức giao dịch là khớp lệnh và/hoặc thoả thuận, thời gian giao dịch dự kiến từ 30/5 đến 10/6. Như vậy, tổ chức này đã thực hiện bán ra ngay trong ngày đầu tiên đăng ký giao dịch.
Trong phiên ngày 30/5, cổ phiếu MSR ghi nhận khối lượng giao dịch thỏa thuận đúng bằng khối lượng gần 110 triệu đơn vị mà Mitsubishi Materials Corporation đăng ký bán ra với tổng giá trị giao dịch là gần 1.627 tỷ đồng, tương đương 14.800 đồng/cổ phiếu, thấp hơn khoảng 17,8% so với giá chốt phiên cùng ngày của cổ phiếu MSR (18.000 đồng/cổ phiếu).
Hiện bên 10% cổ phần trên của MSR vẫn chưa được tiết lộ.
Trong một diễn biến khác, ngày 30/5, Masan High-Tech Materials cũng công bố ký kết hợp đồng mua bán với Mitsubishi Materials Corporation Group (MMC Group). Trong đó, MMC Group sẽ mua 100% H.C. Starck Holding (Germany) GmbH (HCS) từ MHT với giá 134,5 triệu USD.
Dragon Capital gia tăng sở hữu tại FPT Retail lên trên 10%
Nhóm quỹ Dragon Capital đã liên tục mua bán tổng cộng hàng trăm nghìn cổ phiếu FRT của Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) trong ba ngày từ 22-24/5.
Cụ thể, nhóm quỹ mua 50.000 đơn vị trong phiên 22/5, bán ròng 62.000 đơn vị trong phiên 23/5 và mua ròng trở lại 90.000 đơn vị trong phiên 24/5. Hiện sở hữu của Dragon Capital tại FPT Retail là 13,65 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 10,02%.
Trong gần 3 tháng qua (từ ngày 27/2 đến ngày 24/5) nhóm quỹ ngoại này đã liên tục mua bán cổ phiếu FRT với tổng khối lượng mua ròng hơn 4,15 triệu đơn vị, nâng tỷ lệ sở hữu tại FPT Retail từ 6,97% lên 10,02%.
Động thái liên tục mua bán cổ phiếu của Dragon Capital trong các phiên vừa qua diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu FRT đang neo ở vùng đỉnh lịch sử. Kết phiên 31/5, thị giá mã này đang ở mức đỉnh 170.500 đồng/cổ phiếu, tăng 62% so với đầu năm.
Cao su Đắk Lắk đăng ký bán 22,4 triệu cổ phiếu DRI
Công ty CP Cao su Đắk Lắk (mã DRG) đăng ký bán 22,4 triệu cổ phiếu của Công ty CP Đầu tư Cao su Đắk Lắk (mã DRI) từ ngày 3/6 đến 2/7 theo phương thức giao dịch thỏa thuận và khớp lệnh. Nếu giao dịch thành công, DRG sẽ hạ sở hữu từ 48,75 triệu cổ phiếu (tương ứng với 66,6% vốn) xuống 26,35 triệu cổ phiếu (36% vốn).
DRG cho biết việc đăng ký bán ra cổ phiếu DRI là nhằm thực hiện theo chủ trương thoái vốn tại DRI. Trước đó vào ngày 27/5, HĐQT DRG đã phê duyệt giá khởi điểm để chuyển nhượng vốn tại DRI là 14.100 đồng/cổ phiếu, tức tổng giá trị thoái vốn tối thiểu là 316 tỷ đồng.
Trên thị trường thị giá cổ phiếu DRI đang có diễn biến tích cực. Cổ phiếu này đã tăng 88% từ đầu năm đến nay, đạt mức 14.500 đồng/cổ phiếu (giá đóng cửa phiên giao dịch 31/5), nhỉnh hơn so với giá khởi điểm thoái vốn.
Cổ đông lớn của PAP bán ra 12,5 triệu cổ phiếu
Ông Nguyễn Quốc Quân - cổ đông lớn tại Công ty CP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (mã PAP) thông báo đã bán ra 12,5 triệu cổ phiếu PAP trong phiên 23/5.
Sau giao dịch, ông Quân giảm sở hữu tại PAP từ 6,9% xuống còn 0,65%, tương ứng nắm hơn 1,3 triệu cổ phiếu, không còn là cổ đông lớn tại PAP.
Ghi nhận trong cùng phiên, cổ phiếu PAP phát sinh giao dịch thỏa thuận bằng đúng lượng ông Quân bán ra, tổng giá trị gần 169 tỷ đồng, tương đương giá bình quân 13.500 đồng/cổ phiếu. Khả năng cao vị cổ đông lớn đã sang tay lượng cổ phần qua hình thức thỏa thuận.
Ông Quân chính thức trở thành cổ đông lớn tại PAP sau khi mua hơn 13,8 triệu cổ phiếu trong phiên 7/6/2022. Thị trường cùng phiên đó cũng phát sinh giao dịch thỏa thuận bằng đúng lượng ông Quân mua vào, giá trị gần 166 tỷ đồng, tương ứng giá bình quân 12.000 đồng/cổ phiếu.
Kể từ thời điểm đó vị này không báo cáo giao dịch, sau gần 2 năm mới bán ra gần hết lượng cổ phần nắm giữ. Nếu hai giao dịch thỏa thuận đều thuộc về ông Quân, ước tính cá nhân này lãi hơn 12%, tương ứng gần 19 tỷ đồng nhờ chốt lời cổ phiếu PAP.
Một cá nhân gom 8 triệu cổ phiếu PCT trong 2 tháng
Ông Cao Đức Sơn, cổ đông lớn của Công ty CP Vận tải biển Global Pacific (mã PCT) báo cáo đã mua 2,26 triệu cổ phiếu PCT vào ngày 27/5. Giao dịch thực hiện theo phương thức thỏa thuận với giá trị gần 21 tỷ đồng, trung bình 9.200 đồng/cổ phiếu.
Trước đó, cá nhân này đã mua 5,7 triệu cổ phiếu và trở thành cổ đông lớn ngày 8/4. Như vậy trong chưa đầy hai tháng, ông Sơn đã mua gần 8 triệu cổ phiếu, nâng sở hữu lên 9,3 triệu cổ phiếu, tương ứng với 18,6% vốn.
Cùng ngày 8/4, hai cổ đông lớn khác của PCT là ông Trần Vọng Phúc và bà Trần Thị Thu Hà cũng lần lượt mua vào 3 triệu cổ phiếu và 2,3 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu lên 22,1% vốn và 22,3% vốn.
Bên bán đối ứng với các giao dịch ngày 8/4 chính là ông Nguyễn Hồng Điệp. Ông Điệp hạ sở hữu xuống còn 2,26 triệu cổ phiếu, tương ứng với 4,5% vốn, không còn là cổ đông lớn.