Tình trạng tệ hại của tình hình tài chính các nước giàu có nhất thế giới đang khiến cho nhiều người lo lắng, theo nội dung bài báo mới được Economist đăng tải.
Nước Mỹ đã tránh được cuộc khủng hoảng trần nợ, thế nhưng trong khoảng thời gian 1 năm tính đến tháng 5/2023, doanh thu của chính quyền liên bang thấp hơn mức chi tiêu ra đến 2,1 nghìn tỷ USD tức tương đương 8,1% GDP.
Các chính trị gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang nhận ra rằng lãi suất tăng cao đồng nghĩa chi phí nợ nần của khối này trong thời kỳ hậu đại dịch COVID-19 đe dọa gây tổn hại đến ngân sách của khối.
Chính phủ Nhật mới đây trong khung chương trình chính sách kinh tế cũng đã không nhắc đến lộ trình chi trả các khoản lãi vay, tuy nhiên theo nhiều tính toán, chi phí này có thể đã lên đến 6% GDP. Vào ngày 13/6/2023, chi phí lãi vay của chính phủ Anh cũng lên ngưỡng cao trong suốt nhiều tháng.
Chính sách tài khóa toàn cầu không chỉ khiến cho nhiều người lo lắng mà nó còn không phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện tại. Lạm phát cao và thất nghiệp thấp đồng nghĩa thế giới cần chính sách tài khóa thận trọng chứ không phải nới lỏng.
Ngày 14/6/2023, Fed không thay đổi lãi suất cơ bản đồng USD trong lúc chờ thêm những tín hiệu mới về “sức khỏe” của nền kinh tế. Tuy nhiên khi mà lạm phát trên ngưỡng 5%, rất ít người tin rằng Fed sẽ không thay đổi lãi suất trong thời gian dài.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mới đây đã nâng lãi suất cơ bản đồng euro bất chấp việc kinh tế khu vực đồng tiền chung đã rơi vào suy thoái kỹ thuật từ quý 1/2023. Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đồng thời cũng sẽ có khả năng hành động tương tự vào ngày 22/6/2023, chi phí lãi vay danh nghĩa tăng hàng năm 6,5%. Anh hiện đang đương đầu với rủi ro rơi vào vòng xoáy lương – giá.
Thâm hụt ngân sách nhiều nước giàu có hiện đang ở ngưỡng đáng lo ngại. Thâm hụt của Mỹ vượt 6% chỉ trong các giai đoạn ghi nhận nhiều biến động: chiến tranh thế giới thứ Hai, sau khủng hoảng tài chính toàn cầu và gần đây nhất là sau khi phong tỏa vì đại dịch COVID-19. Thế nhưng bối cảnh hiện tại cho thấy không có lý do gì để nâng mức chi tiêu lên cao đến như vậy.
Việc các nước giàu có chi tiêu quá mạnh tay như vậy là bởi họ cần phải kích thích kinh tế tăng trưởng, lãi suất vì vậy trở nên cao hơn so với mức cần thiết thông thường.
Lãi suất cao hơn tuy nhiên lại tạo ra bất ổn tài chính. Đồng thời nó cũng ảnh hưởng đến ngân sách của chính phủ. Cứ mỗi khi lãi suất tăng thêm 1 điểm phần trăm, chi phí nợ của chính phủ Anh tăng 0,5% chỉ trong vòng 1 năm.
Một lý do mà nước Mỹ đương đầu với tình trạng thiếu nguồn ngân sách chính là lợi nhuận của Fed, vốn thông thường sẽ được đưa vào ngân sách của Bộ Tài chính Mỹ, giờ đây đã chuyển sang lỗ khi mà ngân hàng trung ương phải chi tiêu thêm chi trả cho khoản lãi suất mà họ mua trái phiếu trong những năm kích cầu. Các biện pháp chính sách tiền tệ chỉ kiểm soát được lạm phát nếu ngân sách đủ thận trọng.
Nỗ lực của các chính trị gia trong lĩnh vực này cho đến nay đã chưa phát huy nhiều tác dụng. Ngay cả sau khi Dự luật Trách nhiệm Tài khóa (FRA) được thông qua, làm nâng trần nợ và giảm chi tiêu của Mỹ, nợ công ròng của Mỹ được dự báo sẽ tăng lên ngưỡng 98% GDP hiện nay từ mức 115% GDP vào năm 2033.
Chính phủ Anh đã có kế hoạch siết chặt chi tiêu vào năm ngoái, giờ đây đang hy vọng sẽ giảm thuế. Kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu nhìn chung đủ vững vàng nhưng vẫn còn nhiều nền kinh tế hiện đang tăng trưởng khá mong manh. Khi mà lãi suất cao phát huy đủ tác dụng, và thậm chí lãi suất có thể cao hơn nữa, tỷ lệ nợ/GDP của Italy hiện vẫn tăng đều đặn trong suốt nhiều thập kỷ vừa qua và nhiều khả năng sẽ cần thêm biện pháp kích cầu trước khi chi trả lãi suất ước tính 2,4% GDP.
Tính chung, hệ thống hưu trí và y tế đương đầu với vấn đề dân số già: việc đạt đến tỷ lệ phát thải ròng 0% cần đến đầu tư từ nhà nước, chi tiêu quốc phòng cũng sẽ tăng. Những nhu cầu này là hoàn toàn phù hợp tùy theo điều kiện từng quốc gia, tuy nhiên để làm được điều đó, họ sẽ cần phải tăng thuế, tuy nhiên nếu chính phủ các nước thực sự muốn làm điều đó, họ sẽ cần phải tăng thuế hoặc phải chấp nhận lạm phát.