Dẫn số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục hải quan, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 10/2023 đạt 825,135 triệu USD, giảm 9,1% so với tháng 10/2022. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản đạt 7,42 tỷ USD, giảm 21,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các thị trường chính giảm nhập khẩu dẫn đến các sản phẩm thủy sản xuất khẩu đều giảm sâu
Top 05 thị trường đơn lẻ nhập khẩu thủy sản hàng đầu trong 10 tháng đầu năm 2023 lần lượt là: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia đều giảm, thị trường có mức giảm sâu nhất là Mỹ và Hàn Quốc.
Cụ thể: Kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ đạt 1,3 tỷ USD, giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc đạt 1,3 tỷ USD, giảm 15% so với cùng kỳ; thị trường Nhật Bản đạt 1,2 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ; thị trường Hàn Quốc đạt 636 triệu USD, so với cùng kỳ giảm 21%; thị trường Australia đạt 245 triệu USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước.
Các thị trường chính giảm nhập khẩu dẫn đến hầu hết các sản phẩm thủy sản xuất khẩu đều giảm sâu, trong đó, tôm là mặt hàng chiếm tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu lớn nhất có mức giảm sâu nhất, đến 24%, chỉ đạt 2,8 tỷ USD. Kế đến là xuất khẩu cá tra mức giảm lên tới 29% và chỉ đạt 1,5 tỷ USD, cá ngừ đạt 693 triệu USD, giảm 22%, …
Phân tích nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu tôm giảm sâu, bà Phùng Thị Kim Thu, Chuyên gia thị trường ngành hàng Tôm cho rằng, do nhu cầu thị trường thấp, lạm phát, tồn kho tăng cao, người dân thắt chặt chi tiêu, xung đột ở Đông Âu và Trung Đông là những yếu tố ảnh hưởng không tốt tới xuất khẩu tôm của Việt Nam và xuất khẩu tôm toàn cầu trong năm nay.
Bên cạnh đó, giá nguyên liệu và giá xuất khẩu đều giảm, càng làm tăng thêm thách thức cho cả người nuôi và doanh nghiệp chế biến tôm. Từ cuối quý 3/2023, giá tôm nguyên liệu trong nước đã có dấu hiệu nhích lên. Đây là tin vui cho bà con nông dân, tuy nhiên giá tăng chủ yếu do tác động cung-cầu trong nước, chứ chưa phản ánh được nhiều sự ấm lên từ các thị trường tiêu thụ.
Nhận định về triển vọng thị trường tôm trong 2 tháng cuối năm, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho biết, các thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất và quan trọng nhất đối với ngành thuỷ sản Việt Nam và của Thực phẩm Sao Ta hiện nay là Hoa Kỳ, châu Âu, và Nhật Bản.
Thị trường toàn cầu hiện đã qua cao điểm thu hoạch tôm nuôi, nhưng nguồn cung ứng tôm thành phẩm vẫn dồi dào, chủ yếu do lượng hàng tồn kho trước đó. Điều này khiến giá tôm tiêu thụ còn duy trì mức thấp, tuy có lợi cho người tiêu dùng, nhưng gây thiệt hại lớn cho người nuôi, và có thể ảnh hưởng tiêu cực cho chuỗi cung ứng tôm sau này.
“Đáng chú ý, mặc dù hàng tồn kho của một số quốc gia đối thủ chính của tôm Việt Nam như Ecuador và Ấn Độ còn ở mức khá cao, nhưng chủ yếu là hàng sơ chế, do đó hàng chế biến sâu vốn là lợi thế của ngành tôm Việt Nam có điều kiện thuận lợi để bứt phá trong quý 4/2023”, ông Lực nêu quan điểm.
Kỳ vọng sự phục hồi của thị trường trong năm sau
Ở góc nhìn của Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), ông Trương Đình Hòe cho biết, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 02 tháng cuối năm dự kiến đạt 1,6 tỷ USD (khoảng 800 triệu USD/tháng), cộng kim ngạch xuất khẩu của 10 tháng đầu năm là 7,4 tỷ USD, như vậy, cả năm xuất khẩu thủy sản có khả năng đạt 9 tỷ USD.
“Nhưng thông thường vào tháng cuối năm, đối tác nước ngoài sẽ nghỉ chuẩn bị Noel và các lễ, tết nên các doanh nghiệp sẽ phải kết thúc giao hàng vào cuối tháng 11 hoặc giữa tháng 12, như vậy họ chỉ còn một tháng rưỡi để giao hàng. 10 tháng qua, xuất khẩu thủy sản đạt 7,4 tỷ USD, hai tháng còn lại nếu đạt 1,6 tỷ thì khả năng năm nay đạt 9 tỷ USD, tuy thấp hơn năm 2022 gần 2 tỷ USD, là mức giảm khá nhiều, song trong điều kiện thị trường khó khăn được như vậy là giỏi rồi và là sự cố gắng rất lớn của doanh nghiệp”, Tổng thư ký Vasep nói.
Theo ông Hòe, đến thời điểm này các hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành thủy sản trong năm 2023 coi như đã kết thúc, các doanh nghiệp đang đặt kỳ vọng vào năm 2024, và vấn đề quan trọng là mọi người cảm thấy cần tập trung mọi thứ và trong tư thế sẵn sàng cho năm 2024, như nguồn vốn, nhân lực và nguyên liệu …. không đầu tư ngoài ngành dễ dẫn đến thua lỗ, chôn vốn hoặc để mất tiền ở đâu đó, vì như vậy sẽ rất khó để tập trung vào mục đích sản xuất, kinh doanh của năm mới.
“Thị trường xuất khẩu năm nay gặp nhiều khó khăn, mối bán hàng của tất cả các doanh nghiệp đều giảm, nên có người làm được nhiều có người làm được ít nhưng không có nghĩa là họ bị thua lỗ hay có vấn đề gì phải rút khỏi thị trường, chẳng qua do sức mua của thị trường yếu quá. Vấn đề quan trọng của doanh nghiệp bây giờ là tập trung chuẩn bị cho năm mới và kỳ vọng thị trường sự phục hồi vào năm sau”, ông Hòe chia sẻ.