Kim ngạch xuất khẩu rau quả vào Trung Quốc tăng trưởng 3 con số

Tốc độ tăng trưởng mạnh ở Trung Quốc góp phần thúc đẩy trị giá xuất khẩu của mặt hàng rau quả trong nửa đầu năm nay tăng 60,1% so với cùng kỳ.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu rau quả tháng 6/2023 được 662,1 triệu USD, tăng 0,9 so với tháng trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 2,7 tỷ USD, tăng 60,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung Quốc vẫn là thị trường số 1 của rau quả Việt Nam

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, xuất khẩu rau quả cả nước có tháng thứ 2 liên tiếp ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh, đạt 1,76 tỷ USD, tăng 121,9% so với cùng kỳ năm 2022. Tốc độ tăng trưởng mạnh ở thị trường Trung Quốc góp phần thúc đẩy trị giá xuất khẩu mặt hàng rau quả tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm 2023, bởi kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm đến 65,8% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả.

Thị trường Trung Quốc tăng thu mua, đặc biệt, các Nghị định thư đã ký với nước này trong năm 2022 đã giúp hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam có nhiều thuận lợi. Mặc dù năm 2023, Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hàng rào kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng với chất lượng ngày càng cao, giá cạnh tranh nên hàng rau quả của Việt Nam được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng.

Thị trường xuất khẩu rau quả lớn thứ hai là Hoa Kỳ, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt 118,171 triệu USD, giảm 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm tỷ trọng 4,4%. Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu rau quả lớn thứ ba trị giá 106,170 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 12,3%, chiếm tỷ trọng 4,0%.

Thị trường Nhật Bản đứng thứ tư với kim ngạch đạt 87,305 triệu USD, so với cùng kỳ tăng 4,9%, và thứ năm là Hà Lan với giá trị xuất khẩu đạt 78,366 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 66,8%.

Top 5 thị trường xuất khẩu rau quả trong nửa đầu năm nay chỉ thị trường Hoa Kỳ giảm, 4 thị trường còn lại đều đạt mức tăng rất tốt, trong đó phải kể đến thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường này đang bị đe dọa bởi đối thủ cạnh tranh Thái Lan, không chỉ về chất lượng mà vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay là logistics.

Quảng cáo

Yếu về logistics có thể khiến cho rau quả mất lợi thế thị trường gần

Đồng bằng sông Cửu Long chiếm hơn 50% lượng nông sản xuất khẩu của cả nước, nhu cầu vận chuyển khoảng 18 triệu tấn hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên có đến 70% lượng hàng hóa của vùng phải vận chuyển đến các cảng lớn tại TP.HCM và Cái Mép bằng con đường cao tốc duy nhất, nhưng thường xuyên kẹt xe, cộng phí cầu đường cao, cùng với hệ thống kho bãi, cơ sở chế biến nông sản còn thiếu, quy mô nhỏ và manh mún, ... khiến chi phí vận tải tăng lên từ 10-20%.

Trong khi đó, Thái Lan với hệ thống logistics thuận lợi nên cước vận tải từ BangKok đi các thị trường quốc tế thấp hơn so với từ Hà Nội hoặc TP.HCM từ 1 USD - 1,2 USD/kg. Điều này làm cho nông sản Việt Nam khó cạnh tranh với nông sản Thái Lan trên thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, với sản lượng hơn 34 triệu tấn/năm, ngành rau quả rất cần có những kho riêng, những phương tiện vận chuyển chuyên ngành, những dụng cụ thu hái đặc thù nhưng đến nay vẫn chưa có, dẫn đến tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch rất cao từ 30-35%. Hạ tầng cơ sở trong sản xuất, chế biến, lưu thông, bảo quản rau quả còn rất thiếu và rất yếu, mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ tạo nên chuỗi cung ứng của ngành rau quả nói riêng và nông thủy sản nói chung còn tồn tại rất nhiều bất cập.

Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), chi phí logistic tại Việt Nam đang cao hơn rất nhiều so với thế giới và các nước trong khu vực. Hiện nay, chi phí logistic so sánh với tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam gần 17%, trong khi bình quân thế giới là 10,7%. Tính riêng khu vực ASEAN, chi phí Singapore ở mức 8,5%, Malaysia là 13% và Thái Lan là 15,5%.

Chi phí logistics cao sẽ khiến xuất khẩu trái cây Việt Nam sang thị trường Trung Quốc bị kém lợi thế cạnh tranh, khi Thái Lan đang đẩy mạnh xuất khẩu trái cây sang nước này qua hệ thống đường sắt kết nối ba quốc gia, gồm Thái Lan, Lào và Trung Quốc. Với tuyến vận tải này vận chuyển trái cây bằng container lạnh từ Thái Lan đến Côn Minh (Trung Quốc) chỉ mất từ 3-4 ngày, đến Trùng Khánh mất từ 4-5 ngày, còn đến Quảng Châu mất từ 5-6 ngày nên vẫn giữ được chất lượng tiêu chuẩn cao, không qua nhiều trung gian và vận chuyển chuyên nghiệp nhanh, chi phí giảm. Chính vì vậy, vận tải đường sắt đang được các doanh nghiệp Thái Lan lựa chọn, vì nhanh hơn và an toàn hơn so với vận chuyển bằng xe tải và tàu biển, đồng thời cũng giúp giảm lượng khí thải carbon.

Năm 2022, Thái Lan xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc đạt giá trị gần 6,3 tỷ USD, trong khi Việt Nam chỉ đứng thứ 3 với gần 1,3 tỷ USD. Rõ ràng logistics ở Thái Lan ngày càng thuận lợi khiến cạnh tranh xuất khẩu trái cây vào thị trường Trung Quốc ngày càng trở nên khốc liệt hơn, và rõ ràng lợi thế giáp biên xuất hàng hóa bằng đường bộ dễ dàng hơn nhiều nước của Việt Nam đang bị ảnh hưởng rất nhiều.

Theo VLA, dịch vụ logistics nông nghiệp phải được gắn với các vùng sản xuất, và phải đảm bảo quá trình tích hợp từ khâu sản xuất, thu hoạch chế biến, tới đóng gói, lưu trữ, vận chuyển và phân phối tới người tiêu dùng cuối cùng.

“Logistics trong nông nghiệp phải chú trọng đến đầu tư hạ tầng kho bãi, dịch vụ vận tải lạnh, dịch vụ đóng gói, chiếu xạ, kiểm định tại các vùng nông nghiệp trọng điểm. Logistics phát triển sẽ góp phần xây dựng thương hiệu nông sản, tránh tình trạng được mùa mất giá giúp bảo quản nông sản được trong thời gian dài với giá thành thấp”, đại diện VLA nói.

Theo Thị trường Tài chính Tiền tệ Sao chép

Cùng chuyên mục Hàng hóa - Nguyên liệu

Giá dầu giằng co giữa các yếu tố căng thẳng địa chính trị và nguồn cung

Phiên 19/11, giá dầu ít biến động, khi dấu hiệu leo thang căng thẳng Nga-Ukraine làm dấy lên nguy cơ gián đoạn nguồn cung, nhưng việc mỏ Johan Sverdrup nối lại sản xuất đã hạn chế đà tăng của dầu.

Giá dầu thế giới phục hồi từ mức thấp nhất trong gần hai tuần Giá dầu thế giới tăng nhẹ trong phiên giao dịch biến động