Tuy nhiên, hoạt động này mới chỉ dừng lại ở mức duy trì để bán những mặt hàng có sẵn, chưa đi liền với phát triển sản phẩm quy mô lớn nên hiệu quả chưa cao.
Chính vì vậy, sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý lúc này với vai trò cầu nối về xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu là việc làm cần thiết để sản phẩm của hợp tác xã tới gần hơn với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Chìa khoá hỗ trợ
Liên kết với doanh nghiệp dẫn dắt nông dân trồng sầu riêng, vú sữa theo quy trình, tiêu chuẩn GAP để xuất khẩu và tiêu thụ tại thị trường nội địa; trong đó, vú sữa là một trong những loại trái cây của hợp tác xã đã được doanh nghiệp xuất khẩu thành công sang Mỹ là cách làm được ông Trần Văn Chiến-Giám đốc Hợp tác xã Vườn cây ăn trái Trường Khương A (Cần Thơ) triển khai đem lại giá trị gia tăng cho nông sản và nâng cao thu nhập cho thành viên.
Nông dân trồng sầu riêng, vú sữa theo quy trình, tiêu chuẩn GAP để xuất khẩu và tiêu thụ tại thị trường nội địa. Ảnh: Minh Trí - TTXVN
Ông Trần Văn Chiến cho hay, để có được kết quả này là nhờ vào sự hỗ trợ của ngành chức năng thành phố đã giúp hợp tác xã tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, cũng như chương trình kết nối với doanh nghiệp, bắt tay sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn Global GAP.
Bên cạnh đó, các thành viên hợp tác xã còn hướng dẫn nhà vườn chú ý sử dụng chế phẩm sinh học và phân bón hữu cơ trong quy trình canh tác cây ăn trái; giữa các thành viên còn thường xuyên trao đổi, chia sẻ kỹ thuật cho cây ra hoa, đậu trái đạt chất lượng cao.
Ngoài ra, hợp tác xã còn quan tâm đầu tư xây dựng kho bảo quản thuốc bảo vệ thực vật và tổ chức các dịch vụ đầu vào và đầu ra, đảm bảo đúng thời vụ cho thành viên và nhất là đảm bảo chất lượng trái cây an toàn, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của doanh nghiệp xuất khẩu.
Chia sẻ thêm xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Đức Phương, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Cần Thơ cho biết, Liên minh Hợp tác xã thành phố Cần Thơ đã phối hợp với các sở, ngành hữu quan thành phố và địa phương hỗ trợ nhiều hợp tác xã tham gia chương trình xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ hàng hóa trong và ngoài thành phố.
Động thái này đã tạo điều kiện cho hợp tác xã nâng cao năng lực tiếp cận thị trường cũng như tiếp cận nguồn lực hỗ trợ, góp phần thúc đẩy kinh tế tập thể.
Theo ông Phạm Ngọc Nghĩa, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Chư A Thai, tỉnh Gia Lai, ngoài hoàn thiện hoạt động sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường, hợp tác xã còn tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Đặc biệt, thông qua hoạt động xúc tiến thương mại như tham gia hội chợ, hợp tác xã đã từng bước hoàn thiện kế hoạch quảng bá hình ảnh, mẫu mã, phát triển thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại và ký kết các hợp đồng kinh tế.
Hiệu quả của hội chợ thương mại nông sản đã rõ, thế nhưng không ít nhà sản xuất, hợp tác xã chưa thực sự hiểu hết ý nghĩa cũng như vai trò của xúc tiến thương mại và chưa quan tâm đúng mức đến cơ hội đầu tư.
Sợi dây gắn kết
Ông Ngô Văn Chi, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ Đại Thạnh Phát, tỉnh Quảng Nam cho rằng, tuy hợp tác xã đã tham gia nhiều hội nghị, hội chợ nhưng vẫn còn gian nan trong việc xúc tiến thương mại theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả.
Do đó, hợp tác xã kỳ vọng được hỗ trợ nhiều hơn và được tạo điều kiện để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiếp cận kỹ năng, công nghệ hiện đại về xúc tiến thương mại trong thời gian tới.
Nhận định từ các chuyên gia cho thấy, việc tham gia chương trình xúc tiến thương mại đã giúp hợp tác xã, doanh nghiệp từng bước đổi mới tư duy, nhận thức trong quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp, không ngừng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm phục vụ thị trường.
Nhiều hợp tác xã đạt được những thỏa thuận, ký kết hàng trăm hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, cung cấp thịt, cá, rau, củ, quả các loại, sản phẩm thực phẩm chế biến an toàn, đạt tiêu chuẩn chất lượng với các đại lý phân phối, các nhà hàng, bếp ăn tập thể, các hệ thống siêu thị như Saigon Coop, Lotte, Winmart và các bếp ăn khu công nghiệp.
Cũng theo các chuyên gia, hiện nay tại các tỉnh, thành phố đều có sàn thương mại điện tử với quy mô khác nhau nhưng vẫn dừng lại ở mức hạn chế, chưa năng động trong việc sử dụng công cụ marketing online nhằm mở rộng đầu ra sản phẩm của hợp tác xã.
Để tiếp cận được với nhiều khách hàng, các chuyên gia cho rằng hợp tác xã cần quan tâm đến chất lượng, đổi mới bao bì hiện đại, tiện lợi… nâng cấp khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Ngoài ra, muốn tạo sức lan tỏa trong nhận thức của cộng đồng, cơ quan quản lý phải tạo ra những cơ hội để hợp tác xã tiếp cận với hệ thống phân phối; đồng thời, tăng cường tổ chức sự kiện xúc tiến thương mại, hội chợ, tuần lễ hàng nông sản để người tiêu dùng dễ dàng nhận biết, lựa chọn sản phẩm.
Ông KoBa – Giám đốc ngành hàng Công ty Koba Planning (Nhật Bản) nhấn mạnh, hiện nay rất nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp tại Việt Nam gặp khó khăn trong việc đưa sản phẩm tiếp cận thị trường, nhất là thị trường nước ngoài; trong đó, có thị trường Nhật Bản. Sở dĩ vậy bởi hợp tác xã vẫn chưa chú trọng đến chất lượng sản phẩm, vẫn còn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chưa áp dụng các quy chuẩn sản xuất nông sản sạch theo tiêu chí của thị trường khó tính.
Nhật Bản là thị trường luôn yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, hàm lượng dinh dưỡng sản phẩm. Vì thế, muốn xúc tiến thương mại thành công, hợp tác xã cần trang bị đầy đủ kiến thức sản xuất nông nghiệp sạch, đạt chứng nhận chất lượng theo tiêu chuẩn của thị trường.
Ông Nguyễn Mạnh Cường-Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khẳng định, dù xúc tiến thương mại đã mang lại hiệu quả nhất định nhưng nhiều hợp tác xã còn khó khăn và loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm.
Hơn nữa, hoạt động xúc tiến thương mại thường tập trung vào việc duy trì, tìm kiếm, mở rộng thị trường để bán những hàng hóa đang sản xuất, chưa gắn liền với phát triển hàng hóa mà thị trường yêu cầu.
Do đó, hợp tác xã cần chủ động trong việc tham gia hoạt động giao thương, hội chợ, triển lãm để quảng bá, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ; chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định rõ những sản phẩm, hàng hóa cần kết nối, chất lượng, số lượng và thời điểm cung cấp.
Ngoài ra, hợp tác xã cần tăng cường quảng bá sản phẩm, hàng hóa cũng như xây dựng chương trình tuyên truyền có tính kết nối vùng; đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động phối hợp, trao đổi thông tin về đầu tư, sản xuất để sản phẩm của hợp tác xã ngày càng vươn xa tới bạn bè quốc tế.