Phiên giao dịch ngày thứ Hai, giá dầu tăng khoảng hơn 2% lên ngưỡng cao nhất trong 3 tháng khi mà thông tin mới công bố cho thấy nguồn cung hạn chế, nhu cầu xăng dầu của Mỹ tăng cao và những hy vọng vào khả năng Trung Quốc công bố gói kích cầu kinh tế mới và hoạt động mua vào kỹ thuật, theo nội dung bài báo mới được Reuters đăng tải.
Đóng cửa phiên giao dịch, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai tăng 1,67USD/thùng tương đương 2,1% lên mức 82,74USD/thùng trên thị trường London. Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI tăng 1,67USD/thùng tương đương 2,1% lên 78,74USD/thùng.
Đây là ngưỡng đóng cửa cao nhất của dầu Brent tính từ ngày 19/4 và dầu WTI tính từ ngày 24/4/2023, cả hai loại dầu này đã rơi vào ngưỡng quá mua, giá chốt phiên hiện đang ở cao hơn ngưỡng trung bình của 200 ngày giao dịch.
Giám đốc bộ phận năng lượng tại ngân hàng Mizuho, ông Bob Yawger, phân tích rằng việc giá cả trên thị trường dầu lên cao hơn ngưỡng trung bình của 200 ngày giao dịch đã tạm thời chặn mọi hoạt động mua đầu cơ và nhà đầu tư mới vào thị trường.
Cả hai loại giá dầu thô đã tăng 4 tuần liên tiếp, nguồn cung dự kiến còn tiếp tục chịu hạn chế hơn nữa khi mà Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước liên minh như Nga tiếp tục cắt giảm sản lượng.
Sự tăng giá không ngừng của dầu phản ánh cho tình trạng nguồn cung thắt chặt khi mà các biện pháp cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia ảnh hưởng đến thị trường dù rằng nhu cầu dầu, căng và nhiên liệu máy bay của mùa hè tăng cao hơn so với kỳ vọng, theo nhận định của Citi Research.
Nhu cầu cao hơn và những nỗi lo về nguồn cung đã đẩy giá xăng lên ngưỡng cao nhất tính từ tháng 10/2022.
“Việc giá dầu tăng ấn tượng trong thời gian qua diễn ra khi mà châu Âu đang tương đối khó khăn về kinh tế, kinh tế Mỹ chững lại và hiện cũng chưa thể chắc chắn về khả năng Trung Quốc sẽ công bố chương trình kích cầu quy mô lớn ngay trong tuần này”, trưởng bộ phận phân tích thị trường tại quỹ OANDA – ông Edward Moya nhấn mạnh trong nghiên cứu của mình.
Trong khu vực đồng tiền chung châu Âu, hoạt động kinh doanh tháng 7/2023 suy giảm nhiều hơn so với kỳ vọng khi mà nhu cầu trong ngành dịch vụ giảm đi còn sản lượng trong ngành sản xuất sụt giảm ở tốc độ nhanh nhất tính từ khi đại dịch COVID-19 căng thẳng.
Tại Mỹ, hoạt động kinh tế tháng 7/2023 suy giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tháng, nguyên nhân chính bởi tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ sụt giảm. Tuy nhiên khi mà giá cả sản xuất hàng hóa nguyên liệu đầu vào và hoạt động tuyển dụng chững lại, những yếu tố này có thể coi như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang thành công trong việc kiềm chế lạm phát.
Nhà đầu tư hiện đã dự báo về khả năng Fed và ECB nâng lãi suất ngay trong tuần này, kỳ vọng đó đã được phản ánh vào giá dầu và cổ phiếu từ trước đó, chính vì vậy tâm điểm quan tâm của thị trường sẽ là việc chủ tịch Fed và ECB sẽ nói gì về triển vọng điều chỉnh lãi suất trong tương lai.
Phần đông các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Reuters dự báo đây sẽ là lần nâng lãi suất cuối cùng trong chu kỳ siết chặt của Mỹ, số liệu mới công bố trong tháng này cho thấy dấu hiệu của việc lạm phát giảm, chính vì vậy Fed không cần phải nâng lãi suất hơn nữa.
Lãi suất cao hơn có thể làm tăng chi phí cho vay và làm chững lại đà tăng trưởng kinh tế cũng như giảm nhu cầu dầu.
Tại Trung Quốc, nước có nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và cũng đứng thứ 2 về tiêu thụ năng lượng, giới chức địa phương hiện đang tính toán về khả năng sẽ có gói kích cầu mới trong bối cảnh kinh tế hậu COVID-19 hồi phục không đạt kỳ vọng.
Theo các chuyên gia phân tích tại Deustche Bank, nhu cầu dầu tại Trung Quốc giờ đây đang cao vượt kỳ vọng, chính vì vậy những nhà đầu tư đang đặt cược vào sự tăng giá của dầu có phần lạc quan.