Dragon Capital bán cổ phiếu HSG, VCG
Nhóm quỹ Dragon Capital thông báo đã bán tổng cộng 1,25 triệu cổ phiếu HSG của Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen trong phiên ngày 19/6, hạ sở hữu từ 62,47 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 10,14%) xuống còn 61,22 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 9,93%). Trong đó, quỹ thành viên Amersham Industries Limited và Saigon Investments Limited cùng bán 500.000 đơn vị; và Norges Bank bán 250.000 đơn vị.
Tạm tính theo giá đóng cửa phiên ngày 19/6 của cổ phiếu HSG là 25.200 đồng/cổ phiếu, ước tính Dragon Capital có thể thu về khoảng 31,5 tỷ đồng sau khi bán cổ phiếu.
Cùng trong ngày 19/6, Dragon Capital đã bán 100.000 cổ phiếu VCG của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) thông qua quỹ thành viên Norges Bank, hạ sở hữu từ 30,01 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5,01%) xuống còn 29,91 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,99%) và chính thức không còn là cổ đông lớn tại Vinaconex.
Động thái bán ra cổ phiếu VCG của Dragon Capital diễn ra sau khi Vinaconex vừa kết thúc đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức vào ngày 17/6 vừa qua. Cụ thể, công ty đã phát hành hơn 64,12 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 12%. Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của Vinaconex tăng thêm hơn 641 tỷ đồng, lên gần 5.986 tỷ đồng.
Pyn Elite Fund mua thêm 1 triệu cổ phiếu DBC
Pyn Elite Fund báo cáo đã mua khớp lệnh 1 triệu cổ phiếu DBC của Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam vào ngày 18/6. Chiếu theo giá 35.300 đồng/cổ phiếu kết phiên này, Pyn Elite Fund ước tính đã chi ra khoảng 35,3 tỷ đồng để thực hiện giao dịch. Sau giao dịch, quỹ Phần Lan nâng sở hữu tại Dabaco lên thành 19,7 triệu cổ phiếu, tương ứng với 8,15% vốn.
Trước đó, Pyn Elite Fund trở thành cổ đông lớn tại Dabaco sau khi mua 2 triệu cổ phiếu DBC, nâng sở hữu đến ngày 22/5 lên 14 triệu cổ phiếu, tương ứng với 5,78% vốn. Như vậy, tính từ ngày 23/5 - 18/6, quỹ ngoại này đã gom thêm 5,7 triệu cổ phiếu DBC.
Tại thư gửi nhà đầu tư ngày 24/6, ông Petri Deryng, nhà điều hành quỹ cho biết khoản đầu tư Dabaco đang chiếm 3% danh mục. “Khoản đầu tư của chúng tôi vào Dabaco có ý nghĩa trong ngắn hạn do xu hướng tích cực của giá heo, nhưng chúng tôi tin rằng các nhà đầu tư vẫn chưa hiểu hết tầm quan trọng của việc khởi động nhà máy sản xuất vaccine và cũng chưa đủ phản ánh trong dự phóng của các nhà phân tích”, ông Petri Deryng nêu quan điểm.
Cổ đông lớn của Kosy ước thu hơn trăm tỷ từ bán cổ phiếu KOS
Công ty CP Đầu tư Leo Regulus báo cáo bán 3 triệu cổ phiếu KOS của Công ty CP Kosy, tương đương 1,39% vốn. Giao dịch thực hiện từ ngày 17/6 đến 24/6. Chiếu theo thị giá phiên tương ứng, giá trị giao dịch khoảng 116 - 117 tỷ đồng.
Sau giao dịch, Đầu tư Leo Regulus hạ sở hữu tại Kosy xuống 22,2 triệu cổ phiếu, tương ứng với 10,25% vốn và vẫn là cổ đông lớn thứ hai tại Kosy. Hai cổ đông lớn còn lại là ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Kosy (nắm 35,4% vốn) và bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (nắm 6,42% vốn).
Ông Cường và bà Hằng đồng thời cũng đang đảm nhiệm vai trò lãnh đạo tại Đầu tư Leo Regulus. Tổng sở hữu của nhóm 3 cổ đông lớn hiện đạt gần 113 triệu cổ phiếu, tương ứng với 52,08% vốn.
Đầu tư KSB tăng sở hữu tại VLB
Công ty TNHH Đầu tư KSB thông báo đã mua 5,8 triệu cổ phiếu VLB của Công ty CP Xây dựng và Sản xuất Vật liệu Xây dựng Biên Hòa (BBCC), nâng sở hữu từ 4,5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 9,63%) lên 10,3 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 22,05%).
Giao dịch được thực hiện trong phiên ngày 21/6. Trong phiên này, cổ phiếu VLB ghi nhận giao dịch thỏa thuận với tổng khối lượng đúng bằng 5,8 triệu đơn vị với tổng giá trị 260,42 tỷ đồng, giá giao dịch bình quân là 44.900 đồng/cổ phiếu, cao hơn thị giá chốt phiên 21/6 khoảng 15,7%.
Đầu tư KSB là tổ chức có liên quan đến ông Phan Tấn Đạt, Ủy viên HĐQT BBCC đồng thời là Chủ tịch HĐQT của Đầu tư KSB. Hiện cá nhân ông Đạt không nắm giữ cổ phiếu VLB.
Cổ đông lớn nhất của PVI đăng ký mua 7 triệu cổ phiếu
Cổ đông lớn nhất của Công ty CP PVI (mã PVI) vừa đăng ký mua vào 7 triệu cổ phiếu trong thời gian từ ngày 1/7 đến ngày 30/7, theo phương thức thoả thuận và khớp lệnh.
Hiện, HDI Global SE đang nắm giữ hơn 91,1 triệu cổ phiếu PVI, tương đương tỷ lệ sở hữu 38,93%. Nếu giao dịch thành công, tỷ lệ sở hữu của tổ chức ngoại này sẽ tăng lên mức 41,9%, chỉ cách mốc sở hữu chi phối khoảng 8% nữa.
Tạm tính theo giá đóng cửa của cổ phiếu PVI phiên ngày 28/6 là 56.500 đồng/cổ phiếu, HDI Global SE sẽ phải chi gần 400 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch nêu trên.
Ở chiều ngược lại, một cổ đông lớn khác của PVI là nhóm IFC lại đồng loạt đăng ký bán ra.
Theo đó, IFC và 2 quỹ thành viên gồm IFC Financial Institutions Growth Fund và IFC Emerging Asia Fund cùng đăng ký bán số lượng 3 triệu cổ phiếu PVI. Tổng cộng số lượng mà nhóm IFC dự kiến bán ra là 9 triệu cổ phiếu, trong thời gian từ ngày 26/6 đến ngày 25/7.
Tạm tính theo thị giá hiện tại của cổ phiếu PVI, nhóm IFC có thể thu về hơn 500 tỷ đồng sau khi bán xong cổ phiếu PVI, đồng nghĩa với việc rời khỏi vị trí cổ đông lớn của doanh nghiệp bảo hiểm này.