Giai đoạn đáng sợ nhất của cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng trong tháng vừa qua có thể đang chấm dứt.
Câu hỏi lớn hiện nay là nền kinh tế chịu tác động ra sao từ sự suy giảm của hoạt động tín dụng. Câu trả lời sẽ có thể còn phải mất nhiều tháng nữa mới có thể có được, theo nội dung bài báo mới được Wall Street Journal đăng tải.
Vụ việc ngân hàng Silicon Valley Bank và Signature Bank đóng cửa một tháng trước đó đã làm gián đoạn tình thế cân bằng mong manh trước đó bởi nhiều ngân hàng trên thực tế đã không nâng lãi suất tiền gửi dù rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng mạnh lãi suất ngắn hạn nhằm kiềm chế lạm phát.
Việc người gửi tiền rút mạnh tiền khỏi các ngân hàng khiến cho nhiều khách hàng tại các ngân hàng nhỏ hoặc ngân hàng khu vực không khỏi băn khoăn về việc họ có nên chuyển tiền sang nhóm các ngân hàng lớn vốn chịu kiểm soát bởi những quy chế chặt chẽ hơn.
Cho đến nay, kết quả lợi nhuận ngân hàng công bố vào tuần trước cho thấy rằng các ngân hàng cho vay khu vực, được hỗ trợ bởi phản ứng nhanh từ phía chính phủ về việc đảm bảo cho tất cả những khoản tiền gửi không được bảo hiểm, đã được cứu khỏi làn sóng rút tiền ồ ạt.
Số liệu quý gần nhất từ ngân hàng First Republic Bank, ngân hàng từng có cổ phiếu sụt giảm rất sâu trong tháng trước, dự kiến sẽ được công bố vào ngày thứ Hai tuần tới. Các số liệu kinh doanh của các ngân hàng khu vực dự kiến sẽ cho thấy liệu khoảng thời gian tệ hại nhất của rối ren hiện tại liệu đã qua đi hay chưa.
Xu thế tiền gửi suy giảm chậm dần dần tại nhóm các ngân hàng quy mô nhỏ và trung bình có thể tiếp diễn, nhiều người tiêu dùng đồng thời tìm kiếm cơ hội kiếm lợi suất cao hơn bằng cách chuyển tiền sang các quỹ tiền tệ.
Khi phải chịu chi phí vốn cao hơn, các ngân hàng sẽ chịu tổn hại về lợi nhuận. Các chuyên gia kinh tế tại Goldman Sachs ước tính cứ mỗi khi lợi nhuận ngân hàng giảm 10%, tín dụng sẽ hạ 2%. Nếu mức lãi suất cao hơn mà Fed áp dụng bị đẩy về phía lãi tiền gửi ngân hàng, tương đương với mức của năm 2007, tín dụng ngân hàng có thể giảm từ 3 đến 6% tại Mỹ.
Goldman Sachs cũng dự báo sản lượng kinh tế có thể giảm từ 0,3% đến 0,5% trong năm nay.
Các chuyên gia kinh tế thuộc Goldman Sachs cho rằng diễn biến tiền gửi lần này sẽ phức tạp hơn so với những lần trước, lý do là bởi các đợt nâng lãi suất liên tiếp của Fed có thể đã khiến cho người tiêu dùng dù ít quan tâm nhất đến ngành ngân hàng cũng nhận thấy có những lựa chọn thay thế mang lại lãi suất cao hơn. Ngoài ra, việc chuyển tiền trực tuyến thuận lợi cũng khiến cho chi phí chuyển tiền gửi giữa các ngân hàng giảm đi, và vì vậy làm tăng cạnh tranh.
Lãi suất tiền gửi thường lập đỉnh trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 quý sau khi Fed ngừng nâng lãi suất liên bang, nó cho thấy lãi suất tiền gửi như vậy sẽ vẫn tăng cho đến cuối năm nay. Các quan chức thuộc Fed đồng thời phát đi tín hiệu rằng họ sẵn sàng nâng lãi suất liên bang trong cuộc họp ngày 2-3/5/2023 lên trên ngưỡng 5% trước khi hãm phanh chính sách.
Nhóm các ngân hàng nhỏ và trung bình mất đi lượng tiền rẻ do tiền gửi bị rút đi có thể đương đầu với áp lực tăng vốn. Tuy nhiên các ngân hàng sẽ khó huy động vốn trong bối cảnh giá cổ phiếu sụt giảm, các ngân hàng có giá trị vốn hóa sụt giảm quá sâu sẽ nhận ra họ không thể huy động được vốn.
Tại nhóm các ngân hàng nhỏ, tỷ lệ khoản vay/tổng tiền gửi lên mức khoảng 80% trong khi đó tỷ lệ này tại nhóm các ngân hàng lớn ước tính khoảng 60%, theo phân tích của chuyên gia kinh tế trưởng tại TS Lombard – ông Steven Blitz. Nhóm các ngân hàng lớn với lượng tiền gửi dồi dào có ít lý do để lo lắng về mất tiền gửi chính vì vậy họ sẽ có thể giảm lượng trái phiếu đang nắm giữ chứ không giảm tín dụng trong trường hợp cần thu hẹp bảng cân đối kế toán.
Đối với hàng trăm ngân hàng nhỏ, giải pháp có thể tính đến là giảm tín dụng. “Điều đang diễn ra trên toàn quốc chính là mỗi ngân hàng đã buộc phải “đóng băng” hoặc giảm tỷ lệ cho vay/tín dụng”, cựu chủ tịch Fed tại Dallas – ông Robert Kaplan nói. Cũng theo ông Kaplan, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Mỹ đã phải nhận cuộc gọi từ phía các ngân hàng với nội dung rằng họ sẽ không tiếp tục được vay tiền.