Mục tiêu lãi gấp 2 lần trong kịch bản tích cực
Sau khi báo cáo Đại hội về kết quả kinh doanh tích cực đạt được trong năm 2023, Hội đồng quản trị DNSE đã đưa ra mục tiêu kinh doanh khá tham vọng với tổng doanh thu 2024 tại kịch bản tích cực nhất (kịch bản 3) là 1.390 tỷ đồng, tăng 88% so với năm trước.
Ở hai kịch bản kém tích cực hơn, DNSE vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu: kịch bản 1, doanh thu 1.119 tỷ đồng, tăng 51%; và kịch bản 2 là 868 tỷ đồng, tương ứng tăng hơn 17%.
DNSE đặt kế hoạch lợi nhuận tăng gấp đôi so với năm trước, cụ thể, lợi nhuận sau thuế tối đa 445 tỷ đồng (kịch bản 3), gần gấp đôi năm 2023. Ở kịch bản 2, lợi nhuận sau thuế tối thiểu là 170 tỷ đồng, giảm 26% và kịch bản còn lại (kịch bản 1) là 335 tỷ đồng, tăng 46%.
Đại hội cũng thống nhất phương án trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 5% vốn điều lệ, tương đương 165 tỷ đồng. Đây là năm thứ hai liên tiếp DNSE trả cổ tức cho cổ đông bằng tiền mặt.
Tại đại hội, Ban lãnh đạo DNSE cho biết, để đạt được mục tiêu kinh doanh đề ra năm 2024, DNSE sẽ đẩy mạnh các kênh huy động vốn nhằm tối ưu năng lực cho vay margin, cũng như tập trung phát triển sản phẩm công nghệ tiên phong, đa dạng hóa sản phẩm tài chính và thúc đẩy các kênh bán hiệu quả.
Tiếp tục phát huy thế mạnh tiên phong về sản phẩm công nghệ, DNSE sẽ bổ sung các tính năng nâng cao cho giao dịch chứng khoán cơ sở, mở rộng hệ sinh thái sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đơn cử như các sản phẩm quản trị cho vay margin theo từng giao dịch Margin X, trợ lý ảo Ensa, hay trang phân tích, đánh giá toàn diện cổ phiếu Senses…
Đặc biệt, năm 2024, DNSE đặt trọng tâm phát triển vào sản phẩm chứng khoán phái sinh, đưa giao dịch phái sinh trở thành một trong những lợi thế cạnh tranh mũi nhọn. Ngay trong quý I/2024, DNSE đã lọt vào top 5 thị phần môi giới chứng khoán phái sinh HNX, chỉ sau tròn 1 năm ra mắt sản phẩm giao dịch phái sinh.
Một chiến lược nữa DNSE sẽ đẩy mạnh để tăng sức cạnh tranh, đó là phát triển đa dạng sản phẩm tài chính. Không chỉ đơn thuần cung cấp sản phẩm cho vay margin, thông qua việc kết nối với các nền tảng ngân hàng, ví điện tử, các doanh nghiệp Fintech…, DNSE sẽ trở thành một trung tâm tài chính, kết nối nhu cầu của các tổ chức tài chính đến với người dùng, từ đó mang đến sự lựa chọn đa dạng hơn về sản phẩm và tối ưu nguồn vốn.
Các kênh bán phong phú của DNSE dựa trên việc kết nối B2B2C, các kênh mạng xã hội Bò và Gấu, hệ thống cộng tác viên SACO… cũng tiếp tục được đẩy mạnh.
Đại hội cũng thông qua chủ trương đầu tư, góp vốn mua cổ phần công ty quản lý quỹ và cấp phép triển khai chứng quyền, nhằm mục tiêu mở rộng quy mô và hệ sinh thái sản phẩm, mang đến sản phẩm đầu tư đa dạng cho khách hàng.
Sẵn sàng kết nối KRX, có thể niêm yết HOSE trong tháng 6
Đầu năm 2024, DNSE đã hoàn thành việc huy động 900 tỷ đồng thông qua việc chào bán thành công 30 triệu cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở mức giá 30.000 đồng/cổ phiếu, thu hút hơn 600 nhà đầu tư.
Tổng Giám đốc Phạm Thị Thanh Hoa đã cập nhật về số liệu kinh doanh quý I/2024 và lộ trình niêm yết của DNSE sau khi hoàn tất đợt IPO. Ước tính, DNSE lãi sau thuế 70 tỷ đồng trong quý I/2024.
Công ty đã nộp hồ sơ lên HOSE và đang trong quá trình thẩm định, sẵn sàng giải trình với sở nếu có yêu cầu. Do đó, DNSE có thể niêm yết trên HOSE trong tháng 6.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về hệ thống KRX, bà Hoa cũng cho biết, DNSE đã hoàn tất toàn bộ các đợt kiểm thử của Sở và sẵn sàng golive. Đồng thời, công ty cũng chuẩn bị triển khai các sản phẩm nâng cao giai đoạn 2 sau khi KRX đi vào vận hành.
Trong thời gian tới, DNSE chưa có kế hoạch tăng vốn thêm tuy nhiên sẽ sử dụng nguồn vốn từ trái phiếu với chủ trương phát hành trái phiếu trong năm 2024 với tổng giá trị tối đa 1.000 tỷ đồng (tương đương 13,4% tổng tài sản) để bổ sung nguồn vốn phục vụ các hoạt động kinh doanh, đầu tư của công ty. Ngoài ra, DNSE sẽ phát hành 9,3 triệu cổ phần ESOP cho người lao động, tương đương 2,82% cổ phần. Cổ phiếu ESOP bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 1 năm và tối đa 3 năm.
Theo chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Hoàng Giang cho biết, ưu tiên của DNSE là sử dụng tối ưu hóa nguồn vốn mới sau khi đã hoàn tất IPO đầu năm.
Giải đáp thắc mắc về sự an toàn của hệ thống giao dịch DNSE sau sự kiện VNDIRECT bị hacker tấn công vừa qua, Chủ tịch DNSE cũng đánh giá đây là lời cảnh tỉnh cho các CTCK cũng như các công ty cung cấp dịch vụ online tại Việt Nam.
DNSE đã tự xem xét và đánh giá lại hệ thống và đang làm việc thêm với đối tác Canada để tăng cường bảo mật. Cả 3 yếu tố như phần mềm, quy trình, con người đều rất quan trọng đảm bảo DNSE vận hành 24/7. Công ty đã có kế hoạch diễn tập hàng tháng, hàng quý để đảm bảo đội ngũ vận hành DNSE luôn sẵn sàng trước các sự cố.
"Việc bị tấn công vào hệ thống là điều rất khó tránh khỏi, tuy nhiên công ty đã xây dựng bảo mật 2 lớp cho nhà đầu tư và bảo mật cho data center. Trong trường hợp bị tấn công, dữ liệu của nhà đầu tư sẽ được back up, đảm bảo an toàn giúp DNSE có thể phục hồi sớm nhất. Mục tiêu hàng đầu của DNSE là nhà đầu tư không chịu ảnh hưởng khi xảy ra sự cố".