Nỗi sợ của nhà đầu tư về những thiệt hại kinh tế từ những lần nâng lãi suất được dự báo sẽ là chủ đề được quan tâm nhiều nhất trong các buổi họp chính sách lần tới của ngân hàng thế giới nhiều nước trên thế giới, từ Mỹ cho đến Đức.
Khi mà chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) – ông Jerome Powell nói đến khả năng nâng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm, chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng nói đến việc nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, thị trường tài chính đang bắt đầu tính toán đến chi phí mà nền kinh tế phải gánh chịu từ những đợt điều chỉnh lãi suất nào.
Thị trường tài chính hiện đang dự báo nhiều hơn về khả năng các nhà hoạch định chính sách nhóm nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ không thể ngăn được suy thoái kinh tế Mỹ, lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ và chính phủ Đức thời hạn 10 năm đang giao dịch ở dưới mức lợi suất trái phiếu thời hạn 2 năm. Vào ngày thứ Sáu tuần trước, lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ thời hạn 2 năm tăng 4 điểm cơ bản lên 4,68%, cao hơn 3 điểm cơ bản so với mức lợi suất trái phiếu thời hạn 10 năm là 3,74%.
Rủi ro ở đây chính là khi mà người đứng đầu các ngân hàng trung ương cố gắng ngăn lạm phát tồi tệ nhất trong một thập kỷ tăng cao hơn, nhóm các nền kinh tế lớn nhất sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Nó cũng khiến cho các nhà hoạch định chính sách sẽ buộc phải đảo chiều khi mà giá cả tiêu dùng suy giảm.
ECB thừa hiểu mối rủi ro này, trong thế kỷ qua đã hai lần phải từ bỏ chính sách không ngừng nâng lãi suất mà sau này được thừa nhận là những sai lầm về chính sách. Một cảnh báo sớm đã đến trong tuần vừa rồi khi mà vào ngày thứ Năm, New Zealand, một trong những nước đi đầu về thắt chặt chính sách tiền tệ, cho biết sản lượng kinh tế quý 4/2022 suy giảm và điều tương tự xảy ra trong quý 1/2023, như vậy nó chính thức xác nhận cho việc kinh tế New Zealand suy thoái kỹ thuật.
“Các ngân hàng trung ương giờ đây dường như tin nền kinh tế vẫn chống chịu được lãi suất cao thậm chí nếu như nền kinh tế của họ suy yếu hoặc đã suy thoái. Các lỗi lầm chính sách sẽ có thể gây ra rất nhiều hậu quả không mong muốn”, giám đốc bộ phận đầu tư tại quỹ GAM Investments – ông Charles Hepworth phân tích.
Trong tuần vừa qua, Canada và Australia đã khiến cho nhiều nhà đầu tư ngạc nhiên khi họ nối lại việc siết chặt chính sách. Xu thế thắt chặt chính sách tiền tệ đã trở thành phổ biến đối với các ngân hàng trung ương toàn cầu trong tháng này bởi giá cả vẫn duy trì ở ngưỡng cao.
Ngày thứ Tư tuần vừa rồi, Fed đã thực hiện đúng cam kết không điều chỉnh lãi suất, tuy nhiên vẫn khẳng định về hai lần nâng lãi suất ngay trong năm nay. Một trong hai lần đó sẽ có thể ngay vào tháng tới, tại cuộc họp mà Fed khẳng định sẽ có những yếu tố bất ngờ.
Số liệu của Mỹ vào ngày thứ Năm cho thấy kinh tế Mỹ vẫn duy trì tăng trưởng nhưng đã mất đà. Vào tháng trước, doanh số bán lẻ cao hơn dự báo của các chuyên gia, tuy nhiên nhu cầu của người tiêu dùng đã hạ nhiệt. Sản xuất các nhà máy hiện vẫn trì trệ, số lượng người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu cao nhất tính từ cuối năm 2021.
Số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tháng vừa qua cho thấy nhiều khả năng sẽ có những thay đổi, theo chuyên gia cao cấp thuộc Bloomberg Economics đồng thời là cựu quan chức Fed – ông David Wilcox.
Kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) trong khi đó tương đối trì trệ sau khi suy thoái kéo dài đã 2 quý. Chủ tịch ECB mới đây dự báo kinh tế Eurozone sẽ vẫn suy giảm ít nhất trong ngắn hạn. Chủ tịch ECB cũng thừa nhận rằng các đợt nâng lãi suất trước đây đang tạo ra điều kiện tài chính thắt chặt và gây ra ảnh hưởng lên khắp nền kinh tế, tuy nhiên cũng thận trọng về khả năng áp lực lương đang đẩy tăng lạm phát.