Tại hội thảo "Net Zero - Chuyển dịch Xanh" do VTV tổ chức tổ chức ngày hôm nay (27/6), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, chuyển đổi xanh và giảm phát thải nhằm thực hiện cam kết Net Zero là một chặng đường dài với nhiều khó khăn, thách thức. Thách thức lớn nhất là vấn đề nguồn lực.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (năm 2022), Việt Nam có thể sẽ cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD cho đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm khi theo đuổi lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng "0". Trong đó, hành trình khử carbon nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế chiếm khoảng 30% nhu cầu nguồn lực.
Cũng theo Bộ trưởng, Việt Nam là một trong những nước chịu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, Việt Nam cần phải nỗ lực phát triển kinh tế bền vững, giảm thiểu tác động từ biến đổi khí hậu. Tại COP26, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050, thực hiện chủ trương về phát triển kinh tế xanh, hướng tới tăng trưởng xanh, trong đó có chính sách thuế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Ngọc DiệpBộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính hướng đến các nhóm chính sách hạn chế hành vi ô nhiễm môi trường, thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên, thuế tiêu thụ đặc biệt. Nhóm chính sách ngăn giảm thiểu tác động của môi trường và biến đổi khí hậu, đối với thu nhập doanh nghiệp từ dự án đầu tư bảo vệ môi trường. Tiền chuyển nhượng tiền phát thải, quy định các loại hàng hóa và dịch vụ phát triển xanh hóa nền kinh tế ví như dịch vụ vận chuyển hành khách. Thuế suất với sản phẩm sinh học, ô tô thân thiện với môi trường.
Phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững; khuyến khích các địa phương và doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh; thu hút nhà đầu tư tổ chức và cá nhân đầu tư vào các công cụ tài chính xanh. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục phân loại xanh theo nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 08, làm căn cứ để các chủ thể phát hành lựa chọn dự án xanh để sử dụng vốn từ trái phiếu xanh.
Đối với thị trường carbon trong nước, lộ trình phát triển và triển khai đã được Chính phủ ban hành tại Nghị định số 06 về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Theo đó, từ nay đến hết năm 2027, sẽ tập trung xây dựng các hệ thống quy định, chính sách tạo nền tảng cho thị trường vận hành cũng như thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon, hướng đến chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2028.
Với vai trò là cơ quan được giao chủ trì xây dựng, thành lập sàn giao dịch tín chỉ các-bon và ban hành cơ chế quản lý tài chính cho hoạt động của thị trường các-bon, Bộ Tài chính đang nghiên cứu xây dựng Đề án Phát triển thị trường các-bon để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo ông Hervé Conan, Giám đốc AFD Việt Nam, Việt Nam cần phải tính toán lại mức nước đầu nguồn và chú ý nhiều hơn đến các mục tiêu trong chiến lược tăng trưởng xanh.
Mức độ tác động của biến đổi khí hậu phụ thuộc vào năng lực giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Việt Nam hiện đang thuộc nhóm 20 nước phát thải khí Co2 nhiều nhất thế giới, mức phát thải tăng gấp đôi sau 10 năm qua. Sản xuất năng lượng tăng thêm 10%/năm. Do đó, khi mà điều kiện sống của người dân tăng lên cao thì mức phát thải tăng lên.
Ông Conan chỉ ra mỗi quốc gia cần xác định lộ trình riêng của mình. Quy hoạch điện lưới quốc gia có kế hoạch đến 2030 và lộ trình 2050, trong đó ưu tiên đầu tư công, củng cố mạng lưới truyền tải điện, có các giải pháp thay thế năng lượng, thu hút các dự án tư nhân về năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng thay thế.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gần đây cũng đã trình bày các chính sách của Việt Nam trong việc thúc đẩy hơn nữa các đầu tư công và đầu tư tư nhân, tham gia ký kết chuyển dịch năng lượng cân bằng. Cộng đồng quốc tế cũng cam kết đầu tư 15,5 tỷ USD, trong đó Pháp đầu tư ban đầu 500 triệu USD cho các dự án của EVN.
Việt Nam đã cho thấy cơ hội về "xanh hóa", cung cấp việc làm, công nghệ trong cuộc đua chống tác động biến đổi khí hậu, đa dạng hóa chính sách. Bên cạnh đó, cần có cơ chế về "thuế carbon". Các hàng hóa nhập khẩu phải có chi phí bổ sung đưa vào châu Âu, qua đó để sử dụng công nghệ ít carbon hơn, ông Conan phân tích.
Hành động của doanh nghiệp
Với góc nhìn từ phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Khánh, giám đốc điều hành nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D), ban chỉ đạo dự án Net Zero Vinamilk nhấn mạnh, biến đổi khí hậu tác động đến tất cả các thành phần không chừa một ai. Từ giờ đến năm 2024, tác động sẽ lớn hơn đặc biệt với khu vực Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Cũng theo ông Khánh, việc giảm phát thải về 0 không phải cuộc chơi xa xỉ của người giàu, đây là trách nhiệm, quyền lợi của tất cả mọi người để có chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Ông Khánh cho biết cuối tháng 5/2023, Vinamilk đã giảm được 15% khí nhà kính, mục tiêu là giảm 55% vào 2030 và đến năm 2050 là Net Zero. Mục tiêu giảm thải khí nhà kính là giảm biến đổi khí hậu và xóa dấu tích các bon trong hoạt động của doanh nghiệp. Vinamilk không mua tín chỉ các bon mà thực hiện chương trình riêng từ năm 2012 đến năm 2020, trồng được hơn 1 triệu cây xanh đồng thời thực hiện công nghệ máy móc thiết bị để giảm phát thải.
Ông Khánh chia sẻ nếu đầu tư sớm thì chi phí sẽ thấp hơn rất nhiều, hiện tại, các trang trại và nhà máy cân bằng khoảng 17.500 tấn C02/năm, tương đương công suất của khoảng 1 triệu cây xanh.
Thống kê của AC Nielsen cho thấy 80% khách hàng ưu tiên các sản phẩm xanh, nhờ phát triển sản phẩm xanh, Vinamilk xuất hàng được nhiều các thị khó tính như Nhật Mỹ cũng nhờ sản phẩm xanh, giúp củng cố niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm của Vinamilk.
Đối với lĩnh vực hàng không, ông Tô Việt Thắng, theo ông Phó Tổng giám đốc Vietjet, nếu không đón đầu xu hướng thì sẽ gặp khó khi các tổ chức quốc tế siết chặt các quy định về khí thải.
Tại Vietjet, đội tàu bay có công nghệ mới tiết kiệm 20% nhiên liệu, phi công cũng sẽ sử dụng chế độ động cơ phù hợp nhất cho tiết kiệm nhiên liệu, chuyến bay không tiêu hao nhiều nhiên liệu, khay suất ăn từ tre, mo cau góp phần cho định hướng toàn diện hướng đến giảm phát thải khí Co2.
Từ nay đến năm 2050, Vietjet hướng đến sử dụng nhiên liệu bền vững, hiện tại đang trộn dần nhiên liệu bền vững vào nhiên liệu đang khai thác và động cơ cũng vẫn hấp thụ được. Đây là chiến lược toàn cầu và rất nhiều các hãng hàng không cũng đang gia nhập chung xu thế này. Chiến lược quản trị này thậm chí đã trở thành lợi thế của Vietjet, ông Thắng chia sẻ.