Cuộc họp sẽ có sự tham dự của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo các Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Vụ chính sách tiền tệ, cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng và Tổng giám đốc các tổ chức tín dụng….
Cuộc họp này nhằm ghi nhận ý kiến của các đơn vị liên quan để Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị cho hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản.
Được biết, tại họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2023 tổ chức cuối năm 2022, trước vấn đề tín dụng bất động sản được quan tâm, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết thời gian tới sẽ có giải pháp về tín dụng giúp thị trường phát triển lành mạnh, ổn định.
Tại thời điểm đó, Phó thống đốc tiết lộ sẽ tổ chức tọa đàm về tín dụng bất động sản để làm rõ trách nhiệm của ngành ngân hàng, cơ quan quản lý bất động sản, doanh nghiệp triển khai dự án... nhằm giúp phát triển thị trường lành mạnh, ổn định, không để "đóng băng". Đây cũng là cơ hội để trao đổi chia sẻ giữa các ngân hàng thương mại, hiệp hội và doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến 31/12/2022, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản là gần 800.000 tỉ đồng.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ với các địa phương tháng 1-2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan phải xác định khó khăn của thị trường bất động sản là nút thắt cần sớm giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho nhiều lĩnh vực khác, như trái phiếu doanh nghiệp.
Tại phiên họp, Thủ tướng đã khẳng định trong tháng 2 sẽ tổ chức cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; khẩn trương hoàn thiện, ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ…
Trước bối cảnh thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, khó phát hành trái phiếu, khó huy động vốn từ khách hàng khiến nhiều đơn vị thiếu vốn phải giãn tiến tộ hoặc tạm dừng triển khai dự án.
Theo thống kê chưa đầy đủ trong báo cáo tài chính của các doanh nghiệp địa ốc, tính đến cuối năm 2022, giá trị hàng tồn kho tại các dự án tăng cao. Trong đó, tồn kho quỹ đất và các dự án xây dựng dở dang lên tới hàng trăm nghìn tỉ đồng, điều này có nghĩa là số vốn rất lớn đang nằm trong đất nhưng doanh nghiệp lại không xoay được tiền để tiếp tục triển khai dự án. Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp, tiến độ dự án và ảnh hưởng đến nền kinh tế chung của đất nước.
Năm 2023 được xác đinh là năm bản lề của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Nền kinh tế cần nhiều hơn nữa những giải pháp hỗ trợ để hóa giải khó khăn, thách thức và hồi phục, tăng trưởng mạnh mẽ trong bối cảnh vẫn có nhiều ý kiến phản ánh khó khăn về vốn, cần thêm nhiều các chính sách hỗ trợ của nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh...