Những nhà điều hành cao cấp nhất tại nhiều ngân hàng Mỹ từ Silicon Valley cho đến Signature đã từ chối trả lại khoản tiền thưởng hàng triệu USD mà họ đã nhận được trước khi các ngân hàng này sụp đổ. Hàng loạt các vụ đóng cửa ngân hàng đã tạo ra cuộc khủng hoảng trong nhóm các ngân hàng khu vực Mỹ.
Theo Financial Times, trong lần xuất hiện trước công chúng đầu tiên tính từ khi hai ngân hàng cho vay này bị giới chức quản lý đóng cửa vào tháng 3/2023, cựu CEO của ngân hàng SVB – ông Greg Becker cũng với các cựu điều hành ngân hàng Signature – ông Scott Shay và ông Eric Howell đã bị các thành viên thuộc Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ chỉ trích về vai trò của họ đằng sau các vụ sụp đổ ngân hàng vừa qua.
Nhiều chính trị gia Mỹ trong đó bao gồm thượng nghị sỹ bang Massachusetts – bà Elizabeth Warren không ngừng yêu cầu các CEO ngân hàng trả lại tiền thưởng cho Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Mỹ (FDIC). FDIC đã phải chịu thiệt hại hảng tỷ USD sau khi các ngân hàng nói trên sụp đổ.
Ông Becker, người từng kiếm được gần 10 triệu USD trong năm 2022, từ chối việc trả lại tiền tuy nhiên nói rằng ông cam kết sẽ hợp tác với các nhà quản lý ngành ngân hàng Mỹ trong quá trình xử lý các vấn đề sắp tới. Còn ông Shay, người nhận được 6 triệu USD trong năm ngoái, cho biết ông cũng không muốn trả lại lương thưởng.
Chính trị gia Đảng Dân chủ, đại diện bang Maryland – ông Chris Van Hollen nhấn mạnh đến việc mức thưởng của các nhà điều hành tại ngân hàng SVB đã tăng vọt lên sau khi ngân hàng này bắt đầu mua tài sản có độ rủi ro cao và vì thế chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc lãi suất tăng.
Theo ông Becker và Shay, các ngân hàng của họ đã được quản trị tốt, vụ sụp đổ xảy ra có nguyên nhân từ chiến dịch nâng lãi suất mạnh tay của Fed, vụ sụp đổ của ngân hàng Silvergate trong cùng tuần cũng như việc nhiều người gửi tiền rút mạnh tiền.
“Tôi thực sự tin rằng với những thông tin mà chúng tôi có ở thời điểm đó, chúng tôi đã đưa ra quyết định tốt nhất có thể”, ông Becker nói.
Điều kiện tín dụng dành cho doanh nghiệp và các hộ gia đình Mỹ vẫn tiếp tục thắt chặt trong những tháng đầu của năm, theo khảo sát mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện với các ngân hàng.
Tuy nhiên các kết quả mới nhất dường như đánh dấu cho tác động dồn tích từ loạt động thái siết chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng chứ không phải ảnh hưởng nhất thời từ vụ việc ngân hàng Silicon Valley sụp đổ vào hồi tháng 3/2023, theo nội dung bài đăng mới nhất trên Financial Times.
Đối với các doanh nghiệp nhỏ, điều kiện tín dụng thậm chí còn thắt chặt hơn khi mà 46,7% các ngân hàng khẳng định điều kiện tín dụng giờ khó khăn hơn, tỷ lệ này cao hơn nhiều so với con số 43,8% trong cuộc khảo sát lần gần nhất.
Cũng theo các ngân hàng, các doanh nghiệp đủ mọi quy mô cũng đang giảm nhu cầu tín dụng hơn so với 3 tháng trước đây.
Điều kiện tín dụng có thể là một phần của câu chuyện, nhiều ngân hàng công bố họ đang giảm bớt quy mô các khoản vay đồng thời nâng lãi suất cho vay.
Nhìn từ góc độ người tiêu dùng, các ngân hàng cho biết nhu cầu thẻ tín dụng, các khoản vay mua ô tô và vay tiêu dùng đồng thời giảm đi, dù mức giảm không đến nỗi tệ hại như cuối năm ngoái. Nhìn chung, các ngân hàng cũng không muốn cung cấp cho người tiêu dùng nhiều khoản vay như trước và đồng thời cũng hạn chế bớt quy mô các khoản vay ô tô.