Tại họp báo, ông Nguyễn Minh Họa, Phó Chủ tịch Vinacas cho biết, nhiều năm qua Việt Nam luôn là nước sản xuất và xuất khẩu điều số 1 thế giới, trong quý I và quý II/2024 vẫn là như vậy. Tuy nhiên, có một khó khăn đã và đang xảy ra cho ngành điều.
Sản xuất điều thô trong nước chỉ từ 300 – 350 tấn/năm, trong khi ngành chế biến điều nhân cần khoảng 3,5 - 4 triệu tấn điều thô/năm, như vậy, sản xuất trong nước đáp ứng chưa được 10% nhu cầu và để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các nhà máy nhiều năm qua doanh nghiệp phải nhập khẩu đến 90% điều thô từ nước ngoài.
Từ năm 2023 trở về trước, tình hình nhập khẩu nguyên liệu tương đối thuận lợi, nhưng hiện nay giá điều đã bị đẩy lên 45% so với tháng 2, tháng 3 là thời điểm doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng mua vào. Ví dụ, thời điểm ký hợp đồng tháng 2/2024 giá chỉ từ 1.000 - 1.050 USD/tấn, nay đã lên 1.550 USD/tấn, thậm chí 1.600 USD/tấn.
Giá nguyên liệu tăng cao dẫn giá thành sản xuất điều nhân cũng tăng cao sẽ không đáp ứng được yêu cầu các hợp đồng đã ký với bên mua, khi đó nguồn cung nhân điều ra thị trường sẽ bị đứt gãy và sẽ nổ ra các vụ tranh tụng về hợp đồng giữa doanh nghiệp Việt Nam với nhà nhập khẩu chiên rang ở các siêu thị trên toàn cầu.
Mặc dù hiện nay nguồn nguyên liệu vẫn đủ để các nhà máy sản xuất nhưng với tình hình này, dự báo nguồn cung nguyên liệu và nguồn cung điều nhân ra thị trường toàn cầu sẽ bị đứt gãy vào cuối quý III và quý IV, thậm chí tiếp tục sang quý I/2025.
Ở góc nhìn doanh nghiệp cũng là Phó chủ tịch Vinacas, ông Tạ Quang Huyên, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hoàng Sơn 1 cho biết, xuất phát ban đầu do Hội đồng Hạt và Quả khô quốc tế (ANC) dự báo sản lượng điều thô châu Phi năm nay sẽ giảm từ 7-8% so với các năm trước, một nhóm các nhà xuất khẩu ở Bờ Biển Ngà đẩy giá điều thô tăng lên 40 - 45% so với mức giá đã ký bán cho doanh nghiệp Việt Nam.
“Lấy lý do sản lượng điều thô giảm, một nhóm lợi ích đề nghị Chính phủ Bờ Biển Ngà không xuất khẩu mà để lại các nhà máy trong nước sản xuất, và xù hợp đồng với doanh nghiệp Việt Nam. Như vậy sẽ có nhiều doanh nghiệp không nhận được hàng trong khi họ đã ký bán điều nhân với doanh nghiệp nước ngoài, đây là khó khăn lớn cho doanh nghiệp Việt Nam", ông Sơn bức xúc.
Cũng theo ông Sơn, năm nay Hoàng Sơn 1 ký hợp đồng mua điều thô với Tây Phi là 52.000 tấn, nhưng dự kiến chỉ nhận được dưới 40.000 tấn, bị xù hợp đồng từ 10 đến 12.000 tấn.
Chia sẻ quan điểm với Hoàng Sơn 1, ông Cao Thúc Huy, Giám đốc Công ty TNHH Cao Phát cho biết, năm nay thời tiết nắng nóng chắc chắn sẽ tác động lên sản lượng điều thô nhưng không doanh nghiệp Việt Nam nào có thể lường trước việc Bờ Biển Ngà, quốc gia cung cấp điều thô lớn nhất thế giới thay đổi chính sách để hỗ trợ cho ngành công nghiệp chế biến trong nước họ. Lợi dụng cơ hội này một số nhà thương mại quốc tế thông báo không giao đủ hàng, chất lượng lại giảm và đòi tăng giá khủng.
Ông Huy cho biết, với 20 năm trong nghề không có một biến động hay sóng gió nào ông chưa trải qua nhưng biến động lần này là khó khăn nhất, giá điều thô tăng đến 400 USD/tấn chỉ trong một tháng là rất kinh khủng. Ví dụ, hôm nay có một đơn hàng đang đàm phán nếu không mua 5 phút sau người khác mua với giá cao hơn, và hôm sau lại chào giá cao hơn từ 50 – 100 USD/tấn, đây là sự tăng giá rất điên cuồng mà không ai kiểm soát được.
“Đây là báo động đỏ mà Vinacas đã lường trước, hiệp hội khuyên doanh nghiệp nào đã ký hợp đồng nên tận dụng hết khả năng, bằng mọi giá thực hiện cho được các hợp đồng đã ký với khách hàng để giữ uy tín của ngành điều Việt Nam. Đồng thời cũng cảnh báo một số doanh nghiệp nước ngoài dựa vào thông báo mất mùa, và lệnh cấm xuất khẩu điều thô tạm thời của Bờ Biển Ngà trì hoãn hoặc không giao hàng cho doanh nghiệp Việt Nam”, ông Phó chủ tịch Vinacas Họa khuyên.