Tại Hội thảo "Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng" do Báo Đầu tư tổ chức vào sáng 15/5/2023, hơn 300 đại biểu đại diện bộ ban ngành từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, tổ chức quốc tế, đại diện các hiệp hội nước ngoài tại Việt Nam cùng các hiệp hội và doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã cùng nhau chia sẻ, lắng nghe, thảo luận và đánh giá để rút ra những bài học kinh nghiệm từ những mô hình thành công trong hợp tác đầu tư nước ngoài.
Trên chặng đường 35 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam, Samsung cũng đã có lịch sử hoạt động tại Việt Nam hơn 15 năm. Samsung được đánh giá là mô hình đầu tư thành công. Chính vì vậy, Samsung đã được lựa chọn đại diện cho các doanh nghiệp tham gia chia sẻ.
Tại hội thảo, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam đã chia sẻ câu chuyện thành công của Samsung tại Việt Nam, đồng thời đưa ra những đề xuất vì sự tăng trưởng bền vững của Việt Nam và các doanh nghiệp FDI.
Samsung đầu tư chính thức vào Việt Nam năm 2008 với việc xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động tại tỉnh Bắc Ninh. Sau đó, thông qua các hoạt động đầu tư liên tục tại Thái Nguyên, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, hiện nay Samsung đang vận hành 6 nhà máy, 1 pháp nhân bán hàng, 1 trung tâm nghiên cứu và phát triển. Lũy kế đầu tư tính đến cuối năm 2022 là 20 tỷ đô la Mỹ.
Hiện tại hơn 50% điện thoại của Samsung bán trên toàn thế giới là sản phẩm “Made in Vietnam” được sản xuất tại chính Việt Nam. Qua đó, Việt Nam đã phát triển nhảy vọt trở thành quốc gia trọng điểm toàn cầu sản xuất điện thoại di động ra toàn thế giới.
Giờ đây các doanh nghiệp công nghệ thông tin trên toàn thế giới đang nghiêm túc dõi theo Việt Nam – một cứ điểm trọng tâm của điện thoại di động, và việc tìm hiểu những biến đổi chính sách công nghiệp của Việt Nam đã trở thành việc làm thường ngày của họ. Bên cạnh đó, hàng năm Samsung đang phụ trách khoảng 20% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, tạo ra công ăn việc làm chất lượng tốt cho khoảng 300 ngàn người lao động một cách trực tiếp và gián tiếp, qua đó góp phần vào cuộc sống sinh hoạt ổn định cho người dân Việt Nam.
Đặc biệt, sau sự góp mặt của Samsung, hai tỉnh Bắc Ninh và Thái nguyên, nơi vốn phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp đã thay đổi hoàn toàn, trở thành cứ điểm sản xuất chính của thiết bị công nghệ thông tin và đạt được những bước tiến nhảy vọt trở thành các địa phương top đầu Việt Nam về tổng sản phẩm trên địa bàn.
Việt Nam và Samsung đã viết nên một câu chuyện thành công đáng nhớ về việc đôi bên cùng thắng, đến mức nhiều nhà lãnh đạo phải thốt lên rằng: “Thành công của Samsung là thành công của Việt Nam. "Thành công này của Samsung có được là nhờ sự hỗ trợ toàn diện của chính phủ Việt Nam và chính quyền của các địa phương", Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam nhấn mạnh.
Tuy nhiên, tình hình thế giới và những biến đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh đang đe dọa sự tiếp nối của câu chuyện thành công này. Cuộc chiến kéo dài giữa Nga và Ukraine đang dẫn đến lạm phát leo thang, sự sụt giảm trong mậu dịch quốc tế và trở thành rào cản lớn đối với tăng trường kinh tế thế giới. Cuộc chiến Nga - Ukraine này đồng thời cũng tạo ra một môi trường kinh doanh bất ổn.
Mặt khác, quy luật và trật tự kinh tế thế giới đang có những biến đổi. OECD đã áp dụng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu với các doanh nghiệp đa quốc gia đạt doanh thu ở một quy mô nhất định, có hơn 100 doanh nghiệp toàn cầu đầu tư tại Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng.
Do vậy, năng lực cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam cũng bị đe dọa. Giống như nhiều bài báo gần đây đã chỉ ra, chính sách ưu đãi miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp chính phủ Việt Nam đang triển khai hiện nay sẽ bị mất đi hiệu quả thực tế. Thêm vào đó, sự thay đổi về cơ chế đánh thuế sẽ khiến cho Việt Nam và các doanh nghiệp FDI gặp phải những xáo trộn lớn.
Vì vậy Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam đề xuất 3 nội dung để tăng cường năng lực cạnh tranh, xa hơn nữa là vì sự phát triển bền vững của Việt Nam và các doanh nghiệp FDI.
Thứ nhất, là việc cải thiện môi trường đầu tư liên tục của chính phủ Việt Nam.
Từ sau khi thực hiện chính sách đổi mới năm 1986, Việt Nam đã liên tục cải thiện môi trường đầu tư, dẫn tới việc mở rộng đầu tư liên tục của các doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, việc này không thể dừng lại ở đây mà việc cải thiện môi trường đầu tư phải được thực hiện liên tục. Đặc biệt, phải theo dõi những biến đổi của môi trường bên ngoài và triển khai những cải cách phù hợp.
Cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu là ví dụ điển hình của "những biến đổi môi trường bên ngoài" quan trọng nhất gần đây. Và sự đối ứng của chính phủ Việt Nam với biến đổi này rất quan trọng. Là một cơ chế được áp dụng bởi tổ chức quốc tế, nên những chính sách cụ thể được đưa ra với sự thỏa thuận của nhiều bên liên quan. Do đó nếu Việt Nam cũng áp dụng những chính sách này thì có thể loại bỏ đáng kể sự bất ổn trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp FDI chịu ảnh hưởng.
Nhiều công ty tư vấn toàn cầu đang hoạt động ở Việt Nam như Deloite, PwC và các chuyên gia kinh tế cũng đang tích cực khuyến nghị Việt Nam áp dụng cơ chế QDMTT và chính sách ưu đãi dựa trên chi phí để đối ứng với thuế tối thiểu toàn cầu, đặc biệt là nhấn mạnh tính cần thiết của việc luật hóa trong năm nay.
Samsung kỳ vọng chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tạo ra môi trường kinh doanh có thể dự đoán được, phù hợp với tiêu chuẩn toàn cầu và sự thay đổi môi trường đầu tư gần đây.
Thứ hai, là việc thực hiện cam kết và xây dựng lòng tin giữa chính phủ Việt Nam và doanh nghiệp. Chính phủ Việt Nam đã thực hiện đúng những chính sách hỗ trợ đã cam kết sau khi Samsung đầu tư, và kết quả là Samsung đã liên tục được cung cấp một môi trường kinh doanh tuyệt vời nhất.
Sau khi đầu tư tại Việt Nam, Samsung cũng đã thực hiện đầy đủ những cam kết như tạo công ăn việc làm ổn định, phát triển đồng thịnh vượng cùng các doanh nghiệp Việt Nam.
Gần đây, Samsung cũng đã hiện thực hóa cam kết xây dựng trung tâm R&D, không chỉ sản xuất mà còn triển khai các hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ thông tin công nghệ cao. Việc thực hiện cam kết một cách nghiêm túc giữa chính phủ Việt Nam và Samsung dựa trên nền tảng của mối quan hệ tin cậy sâu sắc lẫn nhau, và hai bên đã hình thành một mối quan hệ mang tính phát triển theo một vòng tuần hoàn tích cực.
Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam đề xuất các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài liên tục thực hiện các hoạt động cống hiến xã hội tại Việt Nam. Ông Choi Joo Ho khẳng định các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài không thể chỉ hưởng lợi ích tại Việt Nam rồi rời đi mà các doanh nghiệp cần phải cùng đồng hành và phát triển với người dân Việt Nam và cần một tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.