Cụ thể, giá dầu Brent đã tăng 1,98 USD (2,7%) lên 75,08 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,98 USD (2,85%) lên 71,47 USD/thùng. Tuần trước, giá dầu Brent đã giảm khoảng 4% trong khi giá dầu WTI giảm khoảng 3%.
Ngày 3/11, OPEC+ đã quyết định gia hạn cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô tự nguyện ở mức 2,2 triệu thùng/ngày đến cuối tháng Mười Hai. Chiến lược gia Walt Chancellor tại tập đoàn tài chính và ngân hàng Macquarie, nhận định động thái này đã khiến nhiều người nghi ngại về cam kết khôi phục nguồn cung vào năm 2025 của OPEC+, song có thể làm giảm lo ngại về một cuộc đua giá cả mới giữa các nước trong khối.
Ngày 4/11, Tổng thư ký OPEC, Haitham Al Ghais, nhấn mạnh rằng tổ chức này vẫn rất lạc quan về nhu cầu dầu trong cả ngắn hạn và dài hạn. Công ty dầu khí Pháp TotalEnergies dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt đỉnh sau năm 2030.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành của công ty năng lượng Eni (Italy) cho rằng việc OPEC+ cắt giảm sản lượng và những nỗ lực gần đây của tổ chức này đã làm tăng sự biến động trên thị trường năng lượng và cản trở đầu tư vào sản xuất mới.
Một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy sản lượng dầu của OPEC đã hồi phục trong tháng Mười khi Libya nỗ lực ổn định tình hình trong nước. Song, nỗ lực của Iraq để đáp ứng các cam kết cắt giảm đối với OPEC+ đã hạn chế đà tăng.
Iran đã phê duyệt một kế hoạch nhằm tăng sản lượng dầu 250.000 thùng/ngày. Trong khi đó, sản lượng dầu của Libya đạt gần 1,5 triệu thùng/ngày.
Hiện nay, thị trường đang ngóng chờ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra ngày 5/11, diễn biến mới tại Trung Đông và cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).